Điều tra kỹ nguyên nhân
Được biết, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trên xảy ra vào chiều ngày 14/5 tại công trình xây dựng trong Khu công nghiệp Giang Điền (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định khu vực xảy ra vụ việc là công trình xây dựng nhà máy (đang xây đến tầng 1) của Công ty AV Healthcare nằm trên đường số 8, KCN Giang Điền. Công trình này do nhà thầu là Công ty TNHH Hà Hải Nga (trụ sở ở TP Biên Hòa, Đồng Nai) thi công.
Thực hiện chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai (Công an, Sở LĐTB&XH) tiếp tục làm việc với các bên liên quan cũng như lấy lời khai các nhân chứng để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Thông tin từ Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐTB&XH tại TP.HCM, ông Phạm Anh Thắng cũng cho biết: Trong ngày hôm nay (15/5), Cục An toàn lao động- Bộ LĐTB&XH và Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp đến hiện trường vụ sập tường tại KCN Giang Điền để kiểm tra, làm việc với các bên liên quan.
Hiện nguyên nhân của vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn được điều tra làm rõ nhưng không loại trừ khả năng việc thi công thiếu quy định an toàn lao động, chất lượng chân móng công trình không đảm bảo…
Ý kiến luật sư
Liên quan đến hậu quả và tính pháp lý của vụ việc, chúng tôi đã có trao đổi với Luật sư Lê Bá Thường- Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật TNHHMTV Dân Luật Tín Thành.
Theo Luật sư Lê Bá Thường, vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Đồng Nai sẽ được các cơ quan có trách nhiệm điều tra, phân tích ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, điều đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ khái niệm thế nào gọi là tai nạn lao động?
“Điều 142 Bộ luật Lao động 2012, tai nạn lao động được hiểu như sau: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
Do đó, từ việc xác định có tai nạn lao động xảy ra, cơ quan điều tra sẽ điều tra chủ thể chính chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Theo quy định (Điều 144 Bộ luật lao động 2012) của luật, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động là phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ hai là phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
Thứ 3 là bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Đồng thời cơ quan BHXH trợ cấp một lần cho người thân của người lao động bị chết là 36 tháng lương cơ sở (Điều 51 Luật BHXH 2014).
Đặc biệt khi cơ quan Công an điều tra xác định lỗi của vụ tai nạn lao động đến từ người sử dụng lao động, theo luật tại Khoản 100 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 nêu: Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm với các trường hợp: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Người lao động sai, vẫn được nhận trợ cấp
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Bá Thường trong thực tế không phải lúc nào tai nạn lao động xảy ra lỗi cũng thuộc về người sử dụng lao động. Bởi trong nhiều trường hợp lỗi thuộc về chính người lao động khi không chấp hành và tuân thủ các quy tắc bảo hộ trong lao động.
Do đó, nếu có tai nạn lao động xảy ra mà lỗi thuộc về người lao động, theo Khoản 4 Điều 145 Luật Lao Động 2012 trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% của 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
Người lao động sẽ nhận trợ cấp ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.