Vụ sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337: Nhớ nhau em gọi anh “Đồng chí”

GD&TĐ - Gần 1 năm vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng tại Quảng Trị làm 22 chiến sĩ hi sinh. Vết thương của núi đồi dần liền sẹo, chỉ vết thương lòng người ở lại chưa thể nguôi ngoai.

Về đơn vị mới công tác, chị Nhung luôn được các cán bộ, chiến sĩ trong Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, yêu thương.
Về đơn vị mới công tác, chị Nhung luôn được các cán bộ, chiến sĩ trong Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, yêu thương.

Như thường lệ, cứ vào chiều cuối tuần, chị Thiều Thị Phương Nhung - vợ Liệt sĩ Trần Quốc Dũng (quân nhân chuyên nghiệp thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, hy sinh vào rạng sáng ngày 18/10/2020) lại tất tả chở 2 con nhỏ trên chiếc xe máy, vượt 50 cây số về lại tổ ấm của mình ở thôn Hoa Trung (xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Ngôi nhà này được vợ chồng chị Nhung chắt chiu, dành dụm từ đồng lương kế toán ít ỏi của chị và lương bộ đội của anh.

Nhà bia tưởng niệm 22 liệt sĩ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh trong vụ sạt lở đất xảy ra vào rạng sáng 18/10/2020 đặt tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).

Nhà bia tưởng niệm 22 liệt sĩ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh trong vụ sạt lở đất xảy ra vào rạng sáng 18/10/2020 đặt tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).

Nhớ lại ngày xưa, dù phải công tác xa nhà cách gần 300 cây số, nhưng thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, anh Dũng vẫn tranh thủ ghé về nhà thăm vợ con. Thế nhưng, đã một năm nay, căn nhà chỉ còn bóng dáng 3 mẹ con chị Nhung, bởi thiên tai đã cướp anh rời xa mãi mãi.

Trước lúc Thượng úy Trần Quốc Dũng hi sinh, chị Nhung là kế toán của trường Tiểu học trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngày nhận được hung tin, chị Nhung như ngã quỵ. Nén bao đau thương, chị vượt mưa bão vào Quảng Trị đón anh về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà  (tại thị trấn Cày, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Chị Nhung cho hay: “Ngày đau thương nhất, tôi phải đưa ra quyết định mạnh mẽ nhất. Cả đời anh công tác xa nhà, giờ tôi muốn đưa anh về quê nội cho anh được gần mẹ cha, làng xóm, anh em. Dẫu biết phía trước là khó khăn, cách trở, nhưng tôi muốn hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của anh”.

Nén nỗi đau của vết thương lòng, chị Nhung vừa phải làm mẹ lẫn làm cha để gắng nuôi dạy 2 con Nam Phong, Nhã Vân thật tốt.

Nén nỗi đau của vết thương lòng, chị Nhung vừa phải làm mẹ lẫn làm cha để gắng nuôi dạy 2 con Nam Phong, Nhã Vân thật tốt.

Nhờ sự quan tâm của cấp trên, chị Nhung được chuyển công tác về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Ngày khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, chị Nhung lại khóc rất nhiều. Khóc vì tự hào và cũng bởi nhớ thương người chồng đã khuất.

“Môi trường quân ngũ làm cho tôi hiểu hơn về đời sống của người lính. Những đợt tình hình dịch bệnh căng thẳng, đơn vị trực 100% quân số cả tháng trời, tôi càng thấm thía hơn những hi sinh của anh.

Tôi nhớ những đợt anh tham gia quy tập mộ liệt sĩ gần biên giới Việt - Lào, cả tuần liền không liên lạc được về với gia đình vì điện thoại không có sóng. Rồi những cái Tết vắng bóng anh…” - chị Nhung nghẹn ngào.

Về công tác ở đơn vị mới, chị Nhung được sống trong sự đùm bọc, yêu thương, ấm áp nghĩa tình của những người lính. Hiểu hoàn cảnh của chị, nên mọi người trong đơn vị, ai cũng thương tình và tạo mọi điều kiện cho chị vừa công tác tốt, vừa có thời gian chăm sóc 2 con nhỏ cùng với cha mẹ già.

Chị chia sẻ: “Những hôm trực ban về muộn, vào phòng thấy 2 con đã ngủ say trong vòng tay ông bà nội, tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều. Nhìn 2 đứa trẻ vô tư lớn lên trong sự yêu thương của ông bà, sự đùm bọc của xóm làng, tôi cảm giác anh vẫn hiện hữu đâu đây. Giờ đây, ông bà có thể sớm hôm vui vầy tuổi già bên các cháu, cho nguôi bớt phần nào nỗi đau mất mát. Tôi cũng có thêm chỗ dựa tinh thần”.

Cũng theo chị Nhung, còn mấy ngày nữa là tròn 1 năm ngày anh Dũng hi sinh, cũng là lúc gần kề sinh nhật của chị.

Năm nay, chị Nhung dự định sẽ cùng các con về nơi anh đang an nghỉ, thắp nén hương thơm tưởng nhớ anh trong ngày đón chào tuổi mới, rồi gọi tên anh bằng hai từ “Đồng chí” thân thương.         

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.