Theo đó, ngày 19/3 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đã ra Quyết định số 59, ngày 19/3/2019 tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Bá Mạnh (SN 1987, trú tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành) về hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo điều 288 Bộ luật Hình sự.
Theo quyết định, đối tượng Mạnh bị tạm giữ từ 17h ngày 19/3 đến 17h ngày 22/3. Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang củng cố chứng cứ, tài liệu để khởi tố vụ án về việc đối tượng này đã đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội về sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại trường Mầm non Ngũ Thái, gây hoang mang dư luận.
Trước đó (ngày 18/3), Nguyễn Bá Mạnh đã được triệu tập lên cơ quan công an làm việc. Tại đây, Mạnh thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook cá nhân mang tên Côngnông Đầudọc hình ảnh thịt lợn nhiễm sán trên internet kèm theo status bịa đặt: “Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán... ".
Thông tin này khiến hàng loạt phụ huynh, học sinh mầm non xã Ngũ Thái hoang mang, tìm cách đưa con đi xét nghiệm.
Chiều 18/3, Mạnh đã gỡ các thông tin thất thiệt về sán lợn đồng thời lên tiếng xin lỗi trên Facebook cá nhân Côngnông Đầudọc về việc đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến việc sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại trường Mầm non xã Ngũ Thái.
Việc làm này của Mạnh đã gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Để hiểu rõ hơn về trách nhiệm pháp lý liên quan đến vấn đề này, PV Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Nguyễn Huế - Công ty Luật TNHH "XTVN" (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Nguyễn Huế cho rằng, thời gian gần đây có nhiều tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý cũng như kinh tế của nhân dân. Nhiều trong số đó, các vụ việc ban đầu chỉ nhằm mục đích câu like, gây sự chú ý nhưng cũng có những vụ việc xuất phát từ những động cơ không trong sáng khác.
Liên quan đến vụ việc khiến hàng nghìn trẻ từ huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) về các bệnh viện tại Hà Nội để xét nghiệm sán lợn, hậu quả dễ nhận thấy nhất là gây hoang mang trong dư luận, tốn kém và lo lắng cho các gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nhà trường, cũng như việc kinh doanh, chăn nuôi của người dân.
Theo Luật sư Nguyễn Huế, không chỉ gần đây mới có những tin đồn thất thiệt bị tung lên mạng xã hội nhằm mục đích câu like, mà một vài năm trước đây cũng đã có rất nhiều tin đồn liên tục được đăng tải lên mạng xã hội như bắt cóc trẻ em ở Cao Bằng, máy bay rơi ở Nội Bài, nghi vấn thôi miên bắt cóc trẻ em dẫn tới vụ đốt xe ô tô ở Hải Dương...
Những vụ việc này đã bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân về hậu quả của những "trò đùa" dạng này vẫn chưa được nghiêm túc và đầy đủ.
Đặc biệt, mấy ngày qua, dư luận lại được phen "bấn loạn" với các thông tin mang tên "sán lợn". Thời gian này hầu như người dân không dám ăn thịt lợn, người chăn nuôi không bán được lợn, khiến họ lao đao khốn khổ.
Trước khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra về vụ việc, Luật sư Nguyễn Huế cho biết: Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP).
Tại điểm g, khoản 3, Điều 66 nêu rõ: “Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin”. Nghị định này cũng quy định: Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Việc đưa các tin đồn thất thiệt cũng có thể bị xử lý hình sự, tùy vào mức độ vi phạm. Theo Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 SĐ- BS 2017, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.