Vụ nước thải ngập trường học ở Bắc Ninh: Đình chỉ hoạt động nhiều doanh nghiệp

GD&TĐ - Liên quan tới vụ nước thải ngập trường học, Bắc Ninh vừa xử phạt hàng loạt các doanh nghiệp, hộ kinh doanh 2,23 tỷ đồng, buộc khắc phục ô nhiễm. Tổng kiểm tra trên 200 cơ sở sản xuất quanh khu vực trường học

Khu vực cổng Trường THCS Phong Khê ngập úng cục bộ những ngày qua.
Khu vực cổng Trường THCS Phong Khê ngập úng cục bộ những ngày qua.

Phạt hơn 2,23 tỷ đồng

Thông tin với Báo GD&TĐ chiều 6/5, Chủ tịch UBND phường Phong Khê (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) Lê Văn Tấn cho biết, sau sự cố ngập nước thải khiến hơn 1.400 học sinh xã Phong Khê phải nghỉ học, đã có 6 đơn vị, cơ sở kinh doanh bị đình chỉ sản xuất 9 tháng.

Ông Tấn cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải đã ký ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy tại đường 286 Châm Khê, phường Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Viphaco. Công ty này do ông Trương Minh Nam (SN: 1983) làm Giám đốc. Nơi hoạt động sản xuất giấy Kraft tại đường 286, Châm Khê, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh. Số tiền phạt là 695 triệu đồng.

“Hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường…”, văn bản xử phạt nêu rõ.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị UBND tỉnh Bắc Ninh đình chỉ hoạt động sản xuất 9 tháng. Buộc công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Báo cáo kết quả khắc phục xong hậu quả vi phạm về UBND tỉnh Bắc Ninh. Buộc công ty chi trả kinh phí phân tích môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành.

Ông Lê Văn Tấn cũng cho biết, ngoài danh nghiệp trên, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng ban hành hàng loạt quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hộ kinh doanh.

Cụ thể là hai hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Du và Nguyễn Thị Hoàn cùng hoạt động sản xuất giấy tại đường 286, Châm Khê. Mức phạt lần lượt là 362,500 triệu đồng và 247,500 triệu đồng. Cùng với hành vi tương tự đối với các hộ kinh doanh Nguyễn Bá Chứ, Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Trọng Sơn với cùng mức phạt là 275 triệu đồng.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên trong thời hạn 9 tháng. Bên cạnh đó, buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 60 ngày. Các đơn vị, cơ sở kinh doanh vi phạm phải báo cáo kết quả khắc phục xong hậu quả vi phạm về UBND tỉnh Bắc Ninh.

Như Báo GD&TĐ đưa tin, hàng loạt các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy tại khu vực phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) đã liên tục xả nước thải ra sông Ngũ Huyện Khê. Qua đó, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trước phản ánh của người dân, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã ra văn bản chỉ đạo, cấm các hộ sản xuất giấy không được xả thải vào sông Ngũ Huyện Khê (nhánh ra sông Cầu). Tuy nhiên, do máy bơm, công xuất xử lý nước thải bị hỏng khiến nước xả thải ô nhiễm ra khu vực Trường THCS Phong Khê và Trường Tiểu học Phong Khê gây ngập úng cục bộ. Sự cố gập úng đã khiến hơn 1.400 học sinh phải nghỉ học do nước thải bẩn tràn vào tận trường học.

Tổng rà soát 200 cơ sở sản xuất “vây” trường học

Liên quan đến sự việc trên, Chủ tịch UBND phường Phong Khê Lê Văn Tấn cũng cho biết, TP Bắc Ninh chỉ đạo thành lập tổ rà soát đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, kiểm tra việc thực hiện xử lý nước thải và khí thải.

“Tổ rà soát gồm UBND phường Phong Khê, Phòng TNMT TP Bắc Ninh, phòng quản lý đô thị TP Bắc Ninh, Công an thành phố, trưởng khu phố - nơi có nhà máy sản xuất...”, ông Tấn nói.

Về giải pháp xử lý ngập úng, Chủ tịch UBND phường Phong Khê cho biết: Đề nghị nhà máy xử lý nước thải nâng cấp công suất để bảo đảm thoát nước thải cho các cơ sở sản xuất...

Đối với khói bụi, ông Tấn cho biết, hiện có một số hộ sản xuất đã lắp hệ thống xử lý khí thải còn một số hộ chưa lắp. “Đoàn rà soát đi đôn đốc nếu không lắp hệ thống xử lý khí thải, khói bụi sẽ yêu cầu đóng cửa để bảo đảm môi trường…”, ông Tấn nhấn mạnh.

Với trên 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất quanh khu vực Trường Tiểu học Phong Khê và Trường THCS Phong Khê, ông Lê Văn Tấn thông tin sẽ tiến hành kiểm tra rà soát hết về bảo vệ môi trường. “Đoàn rà soát tiến hành kiểm tra tất cả các điểm kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang phức tạp phải tập trung phòng dịch, đoàn mới rà soát một số đơn vị liên quan đến xây dựng chưa làm được hết…”, ông Tấn nói.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại Phong Khê, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, sẽ đình chỉ, đóng cửa tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy nếu không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Đồng thời, niêm phong cơ sở sản xuất vi phạm.

Ông Tạ Đăng Đoan, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh khẳng định: “Đối với các nhà máy sản xuất không bảo đảm về môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không hoạt động hoặc không hoạt động hiệu quả thì sẽ kiên quyết đóng cửa đến khi nào khắc phục được mới cho hoạt động trở lại…”.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ