UBND Hà Nội có “đứng ngoài cuộc”?
Dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông được Bộ KH&ĐT cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngày 12/1/2017, UBND tỉnh Hòa Bình cấp QĐ chủ trương đầu tư số 01/QĐ-UBND, ngày 14/11/2018 có QĐ số 70/QĐ-UBND về điều chỉnh chủ trương đầu tư cho chủ đầu tư của dự án.
Trong đó, hồ Đầm Bài (Kỳ Sơn, Hòa Bình, rộng gần 70ha) là một bộ phận cấu thành của dây chuyền công nghệ xử lý nước sạch với vai trò là bể sơ lắng và bể dự trữ nước thô cho dây truyền.
Sự cố nước nhiễm dầu khiến sức khỏe hàng triệu người dân Hà Nội bị đe dọa. Nhận thấy kẽ hở trong dây chuyền sản xuất nước sạch của Viwasupco, tháng 11/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có QĐ 2453/QĐ-UBND nêu rõ: Ngừng hiệu lực QĐ chủ trương đầu tư số 01/QĐ-UBND ngày 12/1/2017 và QĐ số 70/QĐ-UBND về điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Viwasupco. Như vậy, về mặt pháp lý thì đến thời điểm hiện tại các QĐ trên không còn hiệu lực.
Việc tạm ngừng hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật trên của UBND tỉnh Hòa Bình nhằm mục đích buộc Viwasupco phải xây dựng hồ lắng của dự án, khép kín, an toàn thay vì sử dụng hồ Đầm Bài như hiện nay.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng có lộ trình cho chủ đầu tư Nhà máy nước sông Đà là đến hết tháng 1/2021 nếu không hoàn thành phương án lấy nước trực tiếp từ sông Đà để sản xuất nước sạch thì sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cưỡng chế, thu hồi việc sử dụng hồ Đầm Bài để sản xuất nước sạch.
Đặc biệt là UBND tỉnh Hòa Bình cũng nêu rõ là sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hà Nội có giải pháp tìm nguồn nước thay thế. Động thái vì sức khỏe người tiêu dùng này của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình được người dân đặc biệt ủng hộ.
Hà Nội đang có hàng triệu người dân dùng nước của Nhà máy nước sông Đà. Họ đã hứng chịu hậu quả nước nhiễm dầu do nhà máy này cung cấp. Nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa có động thái đủ quyết liệt nào (về mặt văn bản) yêu cầu Viwasupco có lộ trình và thực hiện xây hồ lắng khép kín. Không sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ lắng tự nhiên bởi không an toàn.
Động thái này đang đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của Hà Nội đối với bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô. Bởi thực tế, Viwasupco sử dụng nước hồ Đầm Bài (có cả nước suối, nước sinh hoạt của dân địa phương) để sản xuất nước sạch mang tên “nước mặt sông Đà”.
Tiếp xúc với Báo GD&TĐ, có người dân Hà Nội bày tỏ UBND TP phải quyết liệt yêu cầu, đốc thúc Viwasupco không dùng Đầm Bài làm hồ lắng, bảo đảm có hệ thống khép kín dẫn nước mặt sông Đà vào trực tiếp dây chuyền. Như vậy mới tránh được các nguy cơ tiềm tàng dẫn đến sự cố nước nhiễm dầu tháng 10/2019.
Hoàn toàn có thể xem xét trách nhiệm hình sự của Viwasupco
Ngày 14/1, trao đổi với phóng viên, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm: Việc UBND tỉnh Hòa Bình tạm dừng hiệu lực các quyết định chủ trương đầu tư đã cấp cho Viwasupco là hoàn toàn đúng pháp luật. Khi cơ quan ban hành văn bản quy định pháp luật nhận thấy văn bản đã ban hành là chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh thì hoàn toàn có quyết định tạm dừng hiệu lực hoặc thu hồi văn bản đó.
“Việc UBND tỉnh Hòa Bình quyết định như vậy là phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật, phù hợp với mong muốn của người dân. Lộ trình 1 năm để chủ đầu tư dự án Nhà máy nước sông Đà xây dựng hệ thống khép kín, hồ lắng khép kín, không sử dụng hồ tự nhiên Đầm Bài là hợp lý” - luật sư Bùi Quang Thu nêu quan điểm.
Về mặt pháp lý, luật sư Bùi Quang Thu cho rằng, ngoài các đối tượng liên quan đến vụ đổ dầu thải vào nguồn nước, đã bị khởi tố, bắt giam thì cần phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với Viwasupco.
“Viwasupco đã thừa nhận có váng dầu và chậm tăng hóa chất trong nước sản xuất. Như vậy, Viwasupco đã biết chất lượng nước không bảo đảm, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước cho dân. Công ty này cũng không có bất cứ khuyến cáo kịp thời cho người dân. Đây là hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Ở đây đã có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự” - luật sư Thu nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, ngoài dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự, Viwasupco còn có dấu hiệu ở tội Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237 Bộ luật Hình sự 2015.
Xét dưới góc độ xã hội, nước là nhu yếu phẩm thiết yếu của con người. Việc cung cấp nước sạch đã được ưu ái rất lớn, gần như độc quyền. Do vậy, việc đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho người tiêu dùng cần phải được đặt lên hàng đầu. Thậm chí, phải đặt trên cả yếu tố về mặt kinh doanh.