Là người tố cáo, đồng thời cũng là nhân chứng quan trọng của vụ án, nhưng đến hơn 18h tối 6/3, chị Nguyệt mới nhận được giấy triệu tập làm chứng của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
Tin tưởng vào pháp luật
Theo chị Nguyệt thì chị Phan Thị Nam Đông và chị Phan Thị Oanh đã nhận được giấy triệu tập của tòa án từ nhiều ngày trước. “Cuối giờ chiều (6-3) tôi nhận được điện thoại của một cán bộ tòa án hỏi nhận được giấy triệu tập (ảnh) làm chứng chưa.
Tôi nói chưa nhận được bất kỳ giấy nào. Họ có nói tôi đến tòa án làm chứng, nhưng tôi bảo phải có giấy triệu tập thì mới báo cáo được với cơ quan. Đến khoảng hơn 18h thì có người mang giấy đến nhà”- chị Nguyệt nói.
Chị Nguyệt cho biết rất mong muốn sự việc được đưa ra ánh sáng, và chị cũng tin tưởng ở sự công bằng của pháp luật.
Tuy nhiên, chị cũng muốn pháp luật khoan hồng, nhất là những người trẻ tuổi. “Đối với các cháu là nạn nhân của các vị lãnh đạo, nghe theo lệnh của các lãnh đạo, nên khoan hồng độ lượng cho các cháu vì tương lai còn dài.
Cũng mong muốn pháp luật đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, nếu họ nhận thức được sai lầm thì tôi cũng mong muốn pháp luật khoan hồng độ lượng với họ” – chị Nguyệt bày tỏ.
Vẫn chịu rất nhiều sức ép
Theo chị Nguyệt, mặc dù được Ban giám đốc rất quan tâm và nhiều đồng nghiệp ủng hộ, môi trường BV bây giờ trong sạch hơn nhiều nhưng vẫn còn một số cán bộ có cán bộ có thái độ không đúng mực, bất chấp, không có văn hóa ứng xử nơi công sở. “Hiện tại tôi vẫn nhận được rất nhiều tin nhắn đe dọa, quấy rối từ những số máy lạ”- chị cho biết.
Cũng theo chị Nguyệt, từ khi sự việc được được đưa ra ánh sáng, cơ quan đã năm, sáu lần bầu các danh hiệu như lao động tiên tiến, công đoàn viên xuất sắc, rồi đánh giá giữa năm, cuối năm… nhưng lần nào số phiếu của chị cũng rất ít. “Mình rõ ràng là tốt nhưng vì người ta số đông nên áp đảo.
Đến bây giờ họ cứ ép mình xuống, những thành tích bình thường nhất cũng ép mình xuống để không hơn người ta. Mỗi lần như thế cũng áp lực, nhưng đành chấp nhận thiệt thòi” – chị Nguyệt nói.
Ngoài ra, năm 2013 Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trao tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho chị vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Không ký 20 phiếu xét nghiệm khống
Trả lời về thông tin có chữ ký của chị ở 20 phiếu xét nghiệm, chị Nguyệt khẳng định không bao giờ làm chuyện đó. “Nếu tôi làm thì tôi không bao giờ dám đi tố cáo người khác” – chị Nguyệt khẳng định.
Theo chị, đáng lẽ bệnh án được lưu trong kho, nhưng lại có 161 bệnh án mang ra ngoài, để sai vị trí. Trong số 161 bệnh án này có 20 phiếu xét nghiệm khống có chữ ký của chị Nguyệt.
Việc này sau đó được phát hiện và lập biên bản, sau đó bàn giao cho cơ quan công an. “Đây là một sự gán ghép có chủ đích, bởi có hai tờ thì tờ trên là một tờ giấy khác được ghim vào tờ có chữ ký trước. Nếu làm như vậy họ có thể gắn hàng ngàn bản” – chị Nguyệt thanh minh.
Chị Nguyệt nói thêm, khi làm xét nghiệm ngoài lưu bệnh án, còn ghi vào sổ, những cuốn sổ này cũng đã cung cấp cho cơ quan công an, vì vậy có thể chứng minh được những phiếu xét nghiệm đó có phải do chị làm hay không.