Nỗi lo của người đàn ông 30 năm mang thân phận bị can

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cách đây 30 năm, tại nơi ông Dương sinh sống xảy ra vụ trộm khoảng 50m dây điện.

Ông Nguyễn Văn Dương kể về vụ án oan cách đây 30 năm của mình.
Ông Nguyễn Văn Dương kể về vụ án oan cách đây 30 năm của mình.

Ông bị bắt tạm giam sau đó được thả về nhưng đến nay vẫn mang thân phận bị can.

Thời gian qua, ông Nguyễn Văn Dương (50 tuổi, trú xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) liên tục gửi đơn đến các ngành chức năng cho rằng mình bị oan trong vụ án trộm dây điện cách đây 30 năm nhưng nay vẫn chưa được phục hồi danh dự, còn dây dưa đến pháp lý.

Vụ trộm 50m dây điện

Năm 1992, tại xã Đức Nhân (nay là xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ) xảy ra vụ mất cắp khoảng 50m dây điện thắp sáng. Thời điểm đó, đường dây điện sinh hoạt thuộc công trình an ninh quốc gia nên Công an huyện Đức Thọ đã nhanh chóng về hiện trường vào cuộc điều tra.

Ông Dương nhớ lại: “Ít ngày sau khi xảy ra vụ trộm, tôi đang đi làm cỏ khoai bên bờ sông La thì Công an huyện Đức Thọ mời đến trụ sở để phục vụ công tác điều tra. Họ nói tôi bị tình nghi vì có người trong làng tố tôi thực hiện vụ việc trên. Ngoài tôi còn có 2 người bạn cùng xã hay đi chơi với nhau cũng lần lượt bị triệu tập”.

Theo ông Dương, quá trình làm việc với công an, ông được thông báo là 2 người bạn đã nhận tội. Nếu ông khai nhận thì cơ quan chức năng sẽ ký văn bản rồi thả cho về. Bị giữ lâu ngày, không chịu được cực khổ, ông đã nhờ bà Nguyễn Thị Tâm (57 tuổi, chị gái của ông Dương) về mua 50m dây điện và cây kìm ném xuống hồ để gọi công an đến trả lại “tang vật”.

Bà Nguyễn Thị Tâm (chị gái ông Dương) không ngừng khóc khi nói về vụ án nghiệt ngã của em trai

Bà Nguyễn Thị Tâm (chị gái ông Dương) không ngừng khóc khi nói về vụ án nghiệt ngã của em trai

“Khi em bị công an tạm giữ, tôi thỉnh thoảng đến đưa cơm. Thấy em tiều tụy xanh xao. Em bảo với tôi là đã khai nhận trộm dây điện rồi ném xuống hồ nhưng thực chất em không làm việc đó. Em chỉ muốn nhận tội để họ thả về cho nhanh nên nhờ tôi về mua dây ném xuống hồ.

Thấy em người chỉ còn da bọc xương, sợ em chết, thương em đến quặn lòng nên tôi nhận lời. Tuy nhiên, khi về không tìm đâu ra dây điện và quan điểm của gia đình không có tội thì thôi nên tôi không mua nữa. Căn cứ vào lời khai của em tôi, công an sau đó đã về xuống hồ tìm tang vật nhưng không tìm được”, bà Tâm khóc nói.

Theo ông Dương, ông và 2 người bạn bị tạm giam ở công an huyện 2 tháng, rồi bị di lý chuyển vào trại tạm giam Cầu Đông (Hà Tĩnh) tạm giam tiếp 4 tháng. Công an tỉnh cũng tách làm việc với từng người. Sau 6 tháng tạm giam, ông được thả về mà không được giao giấy tờ gì. Hai người bạn của ông cũng được thả.

Trở về sau khoảng thời gian bị tạm giam, một người bạn của ông Dương phải tránh lời dị nghị của xóm làng bằng việc chuyển vào huyện Long Thành (Đồng Nai) sinh sống.

Người bạn còn lại ở quê, cũng như ông Dương, đều không có cơ hội đến trường. Cũng từ khi được thả về tới nay, không một phiên tòa nào được mở ra để xét xử ông Dương và những người trên, cũng không có một quyết định tố tụng nào liên quan đến vụ án được gửi đến họ.

Mong sớm làm sáng tỏ

Chị Nguyễn Thị Thủy (vợ ông Dương) cùng con cái luôn động viên chồng, mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ án.

Chị Nguyễn Thị Thủy (vợ ông Dương) cùng con cái luôn động viên chồng, mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ án.

Suốt 30 năm qua, ông Dương trưởng thành, lập gia đình, tu chí làm ăn nuôi dạy con cái không gây điều tiếng gì ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều lúc ông vẫn trăn trở về quá khứ khi bị tạm giam nhiều tháng mà không hề có bất cứ quyết định nào liên quan đến vụ án.

“Đến đầu tháng 10/2021, tôi bất ngờ nhận được điện thoại mời đến công an xã để làm việc liên quan đến việc mất trộm dây điện 30 năm trước vì liên quan đến tàng thư cấp CCCD. Tôi tưởng rằng mình bị oan sai và có điều gì khuất tất trong vụ án nên cơ quan chức năng truy cứu gì thêm nữa. Không ngờ thân phận bị can còn theo tôi đằng đẵng đến tận bây giờ”, ông Dương ấm ức.

Sau khi nhận được thông báo trên, ông đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu được làm rõ, minh oan cho mình. Một phần, ông lo lắng cho việc học hành, tương lai con cháu sau này.

“Tôi là con người lương thiện, luôn cố gắng làm ăn để đời sống đỡ vất vả. Tôi phải kêu cứu để được minh oan. Việc minh oan không chỉ vì danh dự của bản thân tôi, mà còn vì tương lai của con tôi, cháu tôi và gia đình tôi. Các cháu cũng lo lắng vì nếu học hành tốt mà bố đang vướng lao lý thì không đủ điều kiện sau này thi vào các ngành quân đội, công an”, ông Dương cho biết.

Liên quan đến thông tin trên, Công an huyện Đức Thọ cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Dương, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu VKSND huyện Đức Thọ và Công an huyện Đức Thọ xác minh nội dung đơn của ông Dương. Qua xác minh, ông Dương và hai người khác có bị triệu tập rồi chuyển lên Công an tỉnh Hà Tĩnh. Hồ sơ cũng lưu trữ tại công an tỉnh.

“Hiện, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đang làm rõ về vụ án liên quan đến ông Dương. Về phía công an huyện đang làm sạch cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm. Ông Dương nằm trong diện căn cước can phạm thì phải làm rõ có tiền án, tiền sự hay không. Nếu có tiền án, tiền sự thì đưa vào, còn không có thì phải xóa cho ông Dương”, một cán bộ Công an huyện Đức Thọ nói.

Trước đó, ngày 23/7/2022, sau khi xem xét nội dung đơn của ông Dương, Thanh tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có phiếu hướng dẫn ông gửi đơn đến VKSND tỉnh Hà Tĩnh để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vụ việc này hết sức phức tạp, xảy ra đã lâu, việc xác minh, tìm kiếm hồ sơ và gặp những người liên quan rất khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.