Vụ “lật kèo” chấn động thế giới

GD&TĐ - Cùng với việc công bố cơ chế đối tác an ninh ba bên với Anh và Mỹ (AUKUS), Australia cũng hủy luôn kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu ngầm với Pháp và chuyển sang đặt hàng với đối tác Mỹ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Động thái lật kèo này đang kéo theo hàng loạt rạn nứt ngoại giao quốc tế đáng chú ý nhất trong nhiều năm qua.

Theo giới phân tích, quốc gia “đau” nhất sau khi AUKUS được công bố hôm 16/9 chính là nước Pháp. Lý do là Mỹ và Anh sẽ thay thế Pháp cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Điều này khiến Paris mất đi hợp đồng trị giá 65 tỷ USD mà Australia đã ký với Tập đoàn Naval Group để đóng hạm đội 12 tàu ngầm tấn công hiện đại.

Lực lượng 6 tàu ngầm lớp Collins hiện nay của Australia sẽ nghỉ hưu vào năm 2026. Nếu không có sự ra đời cơ chế AUKUS thì một hạm đội tàu ngầm tấn công tối tân chạy bằng diesen - điện do Pháp cung cấp sẽ thay thế các tàu ngầm hết hạn nói trên của Australia.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi và Australia sẽ bước vào nhóm ít các nước sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khi nhận tàu ngầm đầu tiên vào năm 2040.

Giai đoạn đệm từ năm 2026 đến khi được nhận hàng năm 2040, Australia sẽ được Mỹ và Anh cho thuê các tàu ngầm hạt nhân để vừa duy trì lực lượng vừa học hỏi kinh nghiệm vận hành.

Việc bị Australia “lật kèo” hợp đồng tàu ngầm khiến Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian phản ứng đầy tức giận. Ông gọi đây “thực sự là cú đâm sau lưng” và “Australia đã phản bội lại niềm tin của Pháp”.

Từ mối hậm hực với Australia sau vụ tàu ngầm, Pháp cũng quay sang căng thẳng với hai đồng minh thân cận tham gia AUKUS là Anh và Mỹ. Theo đó, Paris đã hủy cuộc họp thượng đỉnh quốc phòng với London để phản đối và cáo buộc Anh theo “chủ nghĩa cơ hội” khi tham gia liên minh an ninh ba bên này.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có động thái ngoại giao chưa từng có với các đồng minh là triệu hồi ngay lập tức đại sứ của mình từ Mỹ và Australia về nước hôm 18/9.

Đây là quyết định mang tính ngoại lệ vì Pháp chưa từng triệu hồi đại sứ tại Mỹ kể từ khi thiết lập quan hệ và động thái này cho thấy rõ mức độ đặc biệt nghiêm trọng về quan hệ ngoại giao giữa các nước lớn sau khi cơ chế AUKUS ra đời.

Dù đã bày tỏ phản ứng mạnh mẽ, nhưng với sự ra đời của AUKUS và việc Australia hủy hợp đồng tàu ngầm được cho là một bước lùi với cá nhân Tổng thống Emmanuel Macron và cả nước Pháp.

Đây không đơn thuần là vấn đề tài chính, mà nó cho thấy nỗ lực suốt nhiều năm qua của Pháp nhằm giữ quan hệ đối tác với Australia và tăng cường sự hiện diện chiến lược tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã thất bại.

Trên thực tế, Pháp là quốc gia duy nhất của châu Âu đang có sự hiện diện vững chắc tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua hai lãnh thổ hải ngoại là French Polynesian và New Caledonia, với gần 2 triệu dân và 7.000 binh sĩ.

Tuy nhiên, việc Australia quyết định chọn Mỹ và Anh để xây dựng hạm đội tàu ngầm đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng của Pháp trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình.

Trong khi đó, vụ lật kèo hợp đồng tàu ngầm chỉ là một động thái cụ thể, còn sự ra đời của AUKUS mới thực sự mang tính cột mốc lịch sử trong quan hệ quốc tế. Sự kiện này đánh dấu quá trình dịch chuyển về trọng tâm đối ngoại của các cường quốc, đồng thời góp phần định hình lại quan hệ quốc tế sau một thời gian dài xáo trộn do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.