Vũ khí thời Liên Xô bất ngờ bắn rơi cả HIMARS và HARM

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Phòng không Nga vừa gây bất ngờ khi dùng hệ thống đánh chặn Strela-10 bắn rơi HIMARS và tên lửa diệt radar HARM trong cuộc tấn công mới của Ukraine.

MiG-29 Ukraine phóng tên lửa diệt radar HARM.
MiG-29 Ukraine phóng tên lửa diệt radar HARM.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga hôm 3/8, trong cuộc tấn công mới diễn ra cùng ngày do Ukraine thực hiện, lực lượng pháo binh và Không quân của Kiev đã sử dụng đòn tấn công hỗn hợp với tên lửa HARM, hệ thống HIMARS, máy bay không người lái (UAV)... tấn công vào phòng tuyến Nga.

Tuy nhiên, hầu hết trong số đó đều đã bị phòng không Nga đánh chặn.

"Các hệ thống phòng không đã đánh chặn 11 bệ phóng tên lửa HIMARS và 2 tên lửa chống radar HARM cùng 38 chiếc UAV các loại trong ngày", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Điều bất ngờ theo tiết lộ của lực lượng Nga, vũ khí chính lập công trong ngày 3/8 chính là hệ thống Strela-10 được Liên Xô phát triển và đưa vào trang bị từ năm 1976.

Tổ hợp Strela-10 được trang bị tên lửa 9M37. Tên lửa sử dụng đầu đạn phân mảnh với trọng lượng 3kg, được dẫn đường bằng hồng ngoại/quang học. Tốc độ tối đa khi bay của 9M37 là 550 m/s, với trần bay và tầm hoạt động lần lượt là 3,5km và 5km.

Việc hệ thống vũ khí cũ như Strela-10 đánh chặn thành công HIMARS và đặc biệt là tên lửa diệt radar tối tân như HARM là điều khá bất ngờ.

Bởi khi chuyển tên lửa này cho Ukraine, Mỹ cho rằng HARM sẽ là công cụ quan trọng giúp Kiev đối phó với lưới phòng không dày đặc được Nga triển khai trong chiến sự, hạn chế mối đe dọa đến máy bay của Kiev và cho phép họ hoạt động linh hoạt hơn so với trước đây.

Tên lửa AGM-88 HARM được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất.

Nó được phát triển để thay thế tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 SARM, bắt đầu biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1985.

Mỗi quả đạn AGM-88 nguyên bản có giá 284.000 USD, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300km/h.

"Sự xuất hiện của HARM là mối đe dọa không nhỏ với các tổ hợp phòng không Nga, đặc biệt là ở tiền tuyến.

Nó sẽ hạn chế đáng kể thời gian chiến đấu và địa điểm triển khai tên lửa phòng không Nga, đồng thời cho phép chiến đấu cơ Ukraine săn tìm mục tiêu ở khoảng cách an toàn hơn", chuyên gia quân sự Mỹ Joseph Trevithick nói khi Kiev tiếp nhận HARM.

Clip tiêm kích MiG-29 Ukraine phóng tên lửa HARM

Dù Mỹ rất tự tin vào khả năng săn và diệt radar của HARM nhưng qua thời gian thực chiến tại Ukraine từ tháng 8/2022, đã có ít nhất 4 lần dòng tên lửa này bị bắn hạ, trong khi đó chưa có ghi nhận từ phía Mỹ và Kiev về một tổ hợp radar Nga nào là "nạn nhân" của HARM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ