Vũ khí phế bỏ học thuyết chiến tranh của NATO tại chiến sự

GD&TĐ - Theo Guardian, chính sự phổ biến của các loại UAV sát thủ của cả Nga và Ukraine trên tiền tuyến khiến chiến sự bế tắc.

UAV cảm tử Lancet của Nga.
UAV cảm tử Lancet của Nga.

Nguyên nhân

Lực lượng Nga gần đây huy động lực lượng hùng hậu để tấn công Kupyansk, thành phố chiến lược về giao thông, kết nối mạng lưới đường sắt và đường bộ ở đông bắc Ukraine.

Nga từng kiểm soát thành phố này trong giai đoạn đầu chiến sự, song phải rút khỏi Kupyansk trong chiến dịch phản công nhanh của Ukraine hồi tháng 9/2022.

Hiện nay, giao tranh tại đây đang diễn ác liệt, khi lực lượng Nga liên tục mở một đợt tấn công nhằm xuyên thủng phòng tuyến của quân đội Ukraine.

Lực lượng Nga đạt được một số thắng lợi chiến thuật, đánh bật lực lượng Ukraine ra khỏi một số ngôi làng và cánh rừng, song chưa thể chiếm được Kupyansk.

Gleb Molchanov, thành viên đơn vị điều khiển máy bay không người lái (UAV) của Ukraine tại mặt trận Kupyansk, tỉnh Kharkov, chia sẻ video quay ngày 4/1, cho thấy khoảng 10 xe tăng, thiết giáp Nga phát nổ do bị UAV Ukraine tập kích gần làng Sinkovka, cách thành phố Kupyansk khoảng 6 km về phía đông bắc.

Binh sĩ này cho biết thêm, dù đã giành được một số thắng lợi nhưng Nga vẫn khó đạt được đột phá lớn tại Kupyansk và cả các mặt trận khác trước mối đe dọa từ UAV, loại khí tài có giá rẻ song có thể gây ra sát thương lớn.

Quân đội Ukraine trước đó đã từ bỏ chiến dịch phản công để chuyển sang chiến lược "phòng ngự chủ động", nên chiến sự tại Ukraine thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái gần như "đóng băng".

Bởi theo Molchanov: "Không bên nào biết phải làm gì để có thể tiến công. Tất cả mọi thứ khi tấn công đều bị phá hủy bởi UAV hoặc đạn pháo".

Máy bay không người lái, đặc biệt là dòng góc nhìn thứ nhất (FPV), hiện là một trong các vũ khí chủ đạo tại chiến trường Ukraine. UAV FPV được điều khiển từ xa bằng tay cầm và bộ thiết bị đeo trên đầu, giúp người sử dụng có góc nhìn chân thực giống như đang ngồi trong buồng lái.

Phạm vi hoạt động của chúng là khoảng 15 km, tùy thuộc vào tải trọng. Lợi thế lớn nhất của UAV này là số lượng, do chúng có giá thành rẻ, dễ sản xuất, có thể lắp ráp ngay trên chiến trường.

Dù có giá thành thấp nhưng FPV có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như theo dõi hoạt động di chuyển của đối phương, chỉ thị mục tiêu cho pháo binh, hay sử dụng làm vũ khí tự sát để tập kích bộ binh và các khí tài hạng nặng có giá đắt gấp hàng nghìn lần.

UAV này cũng có thể được dùng để thả đầu nổ, song phương pháp này ít được ứng dụng hơn. "Sự xuất hiện của UAV đã khiến học thuyết chiến tranh truyền thống của NATO trở nên lỗi thời", Molchanov nhận định.

Chiến thuật của NATO là, các cuộc tấn công được tiến hành theo hình thức tác chiến binh chủng hiệp đồng, phát huy sức cơ động và hỏa lực của xe tăng, thiết giáp hiện đại để chọc thủng phòng tuyến đối phương, từ đó phát triển mũi tiến công sâu hơn.

Ban đầu, chiến thuật này đã được quân đội Ukraine áp dụng, nhưng đã thất bại do vấp phải phòng tuyến kiên cố được gài mìn dày đặc của Nga, buộc Kiev phải chuyển sang cách đánh truyền thống, tổ chức các trận đánh nhỏ để hạn chế thiệt hại về cả người và vũ khí.

Học thuyết lỗi thời

Sự xuất hiện của UAV FPV, loại vũ khí được coi là "khắc tinh của xe tăng" khi có thể hạ gục chúng chỉ bằng một đòn tấn công tự sát vào những vị trí hiểm yếu nhất, càng khiến vai trò của các phương tiện chiến đấu hạng nặng và học thuyết của NATO tại Ukraine vô tác dụng.

Chính vì vậy, các phương tiện đóng vai trò xung kích, yểm trợ cho bộ binh trở nên "mong manh" hơn trước sức tấn công của UAV khiến cả hai bên đang phải đối mặt với tình thế "dễ thủ, khó công", theo Molchanov. "Đây là cuộc chiến giữa giáp và đạn. Đạn hiện là bên thắng thế", binh sĩ này nói.

Hiện nay, lực lượng Nga sẽ không thể xuyên thủng được phòng tuyến ở Kupyansk cho tới khi tìm được giải pháp để đối phó UAV FPV.

Binh sĩ Ukraine cho biết thêm: "Chúng ta đang ở trong tình trạng bế tắc về công nghệ. Tôi không nghĩ họ sẽ chiếm được Kupyansk. Không bên nào có thể chiến thắng trừ khi tìm được chiến thuật mới hoặc đạt được tiến bộ công nghệ".

Phương án hiện được cả Nga và Ukraine sử dụng để đối phó với UAV FPV là tăng cường trang bị hệ thống tác chiến điện tử cầm tay cho phương tiện chiến đấu.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/1 thông báo bắt đầu gắn tổ hợp Sania trên xe tăng tại chiến trường Ukraine. Thiết bị này có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 1,5 km, đánh chặn trong phạm vi một km, có thể gắn lên giáp lồng trên nóc xe tăng, cung cấp khả năng bảo vệ từ mọi hướng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov cũng công bố mẫu hệ thống tác chiến điện tử cỡ nhỏ tên "AD Counter FPV", có phạm vi hoạt động 250 mét và mất 0,5 giây để khởi động.

Khí tài này được trang bị giá đỡ ba chân nên có thể gắn lên phương tiện chiến đấu như xe tăng, thiết giáp. Nhà sản xuất cũng đã chế tạo một phiên bản có thể nhét gọn trong balô, giúp tăng tính cơ động khi triển khai.

Tờ Guardian kết luận, dù biện pháp đối phó điện tử nhằm vào UAV FPV đã được triển khai nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga hay Ukraine đạt được bước tiến lớn nào tại các điểm nóng xung đột.

Clip pháo phản lực Grad Nga tấn công mục tiêu theo hướng Krasnolimansky hôm 27/1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.