Vũ khí hạt nhân xuất hiện ở Belarus và Ba Lan sẽ dẫn đến điều gì?

GD&TĐ - Nga và Mỹ được cho là đang xúc tiến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus cũng như Ba Lan.

Vũ khí hạt nhân xuất hiện ở Belarus và Ba Lan sẽ dẫn đến điều gì?

Mới đây đã diễn ra chuyến thăm Minsk của Tổng thống Putin, từ đó nhiều người kỳ vọng Belarus sẽ trực tiếp tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt (NWO) tại Ukraine. Điều này chưa xảy ra nhưng sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một số tuyên bố nghiêm túc.

Ông Putin được cho là muốn nhận được hỗ trợ quân sự tích cực hơn từ đồng minh duy nhất của mình ở hướng Tây, có thể điều này khiến ông đích thân bay tới Minsk, dẫn theo một phái đoàn rất hùng hậu.

Thành phần đi cùng ông Putin đó có Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, trợ lý tổng thống Yuri Ushakov, Phó Thủ tướng Alexei Overchuk, Thứ trưởng Tài chính Alexei Sazonov và người đứng đầu Roscosmos Yuri Borisov, cũng như thư ký báo chí của Tổng thống Dmitry Peskov.

Tuy nhiên khi được các nhà báo hỏi về việc liệu Điện Kremlin có đang cố ép Belarus tham gia NWO hay không, ông Peskov trả lời rằng tất cả những điều này là “bịa đặt ngu ngốc và vô căn cứ”.

Sau cuộc hội đàm ở cấp cao nhất, có thông báo cho rằng mục đích chính của cuộc gặp là hợp tác kinh tế và kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Như Tổng thống Putin nói, Minsk đã nhận được khoản đầu tư từ Moskva với số tiền 105 tỷ Rúp:

"Nga đã phân bổ thêm 105 tỷ Rúp cho các đối tác của chúng tôi tại Belarus, để tài trợ cho các dự án chung nhằm thay thế nhập khẩu đầy trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy công cụ và điện tử", ông Putin nói rõ.

Hai nhà lãnh đạo còn thảo luận với nhau về vấn đề định giá trong lĩnh vực năng lượng, từ đó Belarus sẽ tiếp tục nhận dầu khí của Nga với “các điều khoản rất thuận lợi”. Chính Tổng thống Lukashenko đã đặt lợi ích của ngành công nghiệp quốc gia lên hàng đầu như một phần của chương trình thay thế nhập khẩu.

Theo ông Putin, sự hợp tác trong CSTO đã được thảo luận, cũng như việc tạo ra một không gian phòng thủ duy nhất của Nhà nước Liên minh Nga - Belarus. Tổng thống Lukashenko đã cảm ơn người đồng cấp Nga vì đất nước của ông đã nhận được các hệ thống phòng không S-400 hiện đại nhất và tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander mà họ mong đợi từ lâu.

Ngoài ra đáng chú ý nhất là kế hoạch đã được công bố nhằm huấn luyện các phi công của Không quân Belarus trong việc sử dụng máy bay được trang bị vũ khí có đầu đạn đặc biệt, tức là đầu đạn hạt nhân.

Như Tổng thống Putin đã tuyên bố, Nga sẽ tiếp tục đào tạo phi công quân sự Belarus về cách thức sử dụng vũ khí hạt nhân:

"Tôi cho rằng có thể tiếp tục thực hiện các đề xuất của Tổng thống Lukashenko về việc huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu của Quân đội Belarus - vốn đã được chuyển đổi để có thể sử dụng vũ khí phóng từ trên không lắp đầu đạn đặc biệt".

"Tôi nhấn mạnh rằng hình thức hợp tác này không phải là phát minh của chúng tôi, chẳng hạn Mỹ đã thực hiện các hoạt động tương tự với những đồng minh của mình trong khối NATO từ nhiều thập kỷ qua", ông Putin nhấn mạnh.

Do đó, Điện Kremlin thực sự ủng hộ lộ trình của Minsk hướng tới từng bước khôi phục vị thế của một cường quốc hạt nhân. Cần nhớ lại rằng trong thời kỳ Xô Viết, vũ khí hạt nhân đã được triển khai trên lãnh thổ Belarus, nhưng Minsk đã tự nguyện từ bỏ như một phần của chương trình phi quân sự hóa, giống như Kazakhstan và Ukraine, điều mà sau này họ rất tiếc.

Belarus có thể nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga.

Belarus có thể nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga.

Đích thân Tổng thống Lukashenko nói với báo chí rằng Belarus trước đó đã đề nghị lên Tổng thống Putin với yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình.

Giới quan sát cho rằng điều này có thể trở thành hiện thực trong trường hợp Mỹ chuyển kho vũ khí hạt nhân từ Đức sang nước láng giềng Ba Lan. Như ông Lukashenko tuyên bố, tất cả cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết ở đất nước mình vẫn được bảo tồn, có thể tiếp nhận vũ khí hạt nhân dưới bất cứ hình thức nào.

Nhiều nhà quan sát nhận định hai bên chỉ có thể thảo luận về vũ khí hạt nhân chiến thuật, sẽ nằm dưới sự kiểm soát của các chuyên gia từ Bộ Quốc phòng Nga.

Đây có thể là vũ khí hạt nhân chiến thuật phóng từ trên không, phương tiện mang chúng là máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M hoặc tiêm kích đa năng Su-30SM hiện đại hóa. Ngoài ra, tên lửa có đầu đạn đặc biệt có thể là Iskander-M. Mục tiêu chính của hành động trên là răn đe đối với khối quân sự NATO cũng như Ukraine.

Theo giới quan sát, mong muốn của Belarus có được vũ khí hạt nhân để ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng từ phương Tây chính là đối trọng với chương trình Chia sẻ hạt nhân của NATO, theo đó bom B61 của Mỹ hiện đang được cất giữ ở 4 quốc gia châu Âu - Đức, Bỉ, Ý và Hà Lan, cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu Belarus có được vũ khí hạt nhân, nước láng giềng Ba Lan chắc chắn sẽ tuyên bố triển khai kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ mình. Khi được hỏi liệu Warsaw có đàm phán với Washington về vấn đề này hay không, Tổng thống Andrzej Duda đã trả lời như sau:

"Tôi tin rằng điều này nên được nhìn từ viễn cảnh của tương lai xa, nhưng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Ba Lan sẽ củng cố an ninh của mình. Đây phải là mục tiêu dài hạn của chúng tôi, mục tiêu xây dựng sự vĩ đại của Ba Lan trong tương lai".

Tổng hợp lại, tất cả những điều này nghĩa là Đông Âu có thể rất dễ dàng bị thúc đẩy tiến tới hạt nhân hóa nhanh chóng, như vậy rõ ràng cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản hai đã quay trở lại.

Theo Reporter

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ