Vũ khí cần
Tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov của Hải quân Nga, hiện đang được sửa chữa, sẽ được tăng cường hệ thống phòng không trên hạm sau khi trở lại hoạt động.
Chiến hạm hạng nặng thuộc Dự án 1144.2M này (NATO định danh là Kirov) mang theo hệ thống tên lửa phòng không S-300F Fort, phiên bản sử dụng trên tàu của hệ thống S-300P. Sự hiện diện của tổ hợp này sẽ cho phép Hải quân Nga chống lại tên lửa đạn đạo và các mục tiêu phức tạp khác.
"Những nỗ lực liên tục của Nga nhằm khôi phục tàu Đô đốc Nakhimov có thể cho thấy sự quan tâm đến việc tái triển khai các năng lực phòng không trên biển phù hợp về mặt chiến lược phát triển của Hải quân Nga", ấn phẩm viết.
Báo Mỹ thừa nhận rằng sự xuất hiện của hệ thống S-300 trên biển sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng các mối đe dọa, vì nếu không có hệ thống này, Hải quân sẽ không được bảo vệ an toàn khi thực hiện các hoạt động trên biển.
Cũng theo 19FortyFive, hệ thống phòng không là một trong những thành tố quan trọng nhất của tàu chiến hiện đại. Các máy bay được coi là mối đe doạ nghiêm trọng đối với tàu chiến vì chúng được trang bị những loại tên lửa chống hạm mang theo đầu đạn điều khiển vô cùng tân tiến.
S-300F đã lạc hậu?
Phương tiện chính đối phó với các máy bay của đối phương được triển khai trên tàu là tên lửa đất đối không phiên bản dành cho hải quân. Với Hải quân Mỹ, tên lửa phòng không chủ lực là Standard Missile.
Dòng tên lửa này đã nằm trong trang bị của Quân đội Mỹ từ những năm 1960. Nhà sản xuất tên lửa Standard Missile - Công ty Raytheon đã gọi nó là vũ khí phòng không dành cho tàu chiến tốt nhất trên thế giới. Tên lửa Standard Missile được sản xuất riêng cho việc phóng từ boong tàu.
Trong khi đó, tại Nga, tên lửa phòng không chính dành cho tàu chiến là S-300. Tổ hợp tên lửa này đã được chế tạo cho công tác phòng không của Quân đội Liên Xô. S-300F là hệ thống tên lửa phòng không phiên bản trên biển.
Để so sánh hai loại tên lửa của Mỹ và Nga, có thể phân tích cách chúng được tích hợp trên tàu. Tên lửa Standard Missile được trang bị chủ yếu cho các tàu chiến lớp Arly Burk và Ticonderoga.
Trên hai lớp tàu này, tên lửa Standard Missile được triển khai trong các bệ phóng thẳng đứng Mk41. Bệ phóng Mk 41 là tập hợp các ống phóng. Mỗi ống chứa một tên lửa. Do đó, các tên lửa có thể được phóng theo bất cứ thứ tự nào.
Trong khi đó, S-300F của Nga cũng sử dụng phương pháp phóng thẳng đứng. Tuy nhiên, khác với tên lửa của Mỹ, S-300F sử dụng bệ phóng hình trống dạng ổ quay.
Chỉ có một cửa phóng nên khi bắn, bệ phóng hình trống phải xoay nhẹ để di chuyển quả tên lửa khác đến vị trí phóng. Điều này khiến tốc độ bắn của S-300F chậm hơn so với tên lửa Standard Missile trên tàu chiến Mỹ.
Trong những năm gần đây, các tàu chiến Nga sử dụng hệ thống phóng đa năng có thể phóng những tên lửa phòng không hạng nhẹ. Nhưng các tổ hợp tên lửa hạng nặng như S-300, thậm chí cả S-400 hiện đại vẫn phải được phóng bằng các bệ phóng hình trống.
Dòng tên lửa Standard Missile của Mỹ được phát triển và tiếp nhận những khả năng mới nhanh hơn so với tên lửa S-300F của Nga.
Hải quân Mỹ đã tăng tầm bắn của tên lửa Standard Missile để duy trì sức mạnh vượt trội nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.
Ngược lại, do sự thống nhất với hệ thống phòng không trên mặt đất, phiên bản hải quân S-300F không được hiện đại hóa nhanh chóng. Do đó, tên lửa S-300F của Nga hiện bị cho là tụt hậu so với tên lửa Standard Missile của Mỹ.