Vụ học sinh lớp 4 ở lại nhà vệ sinh tại Nghệ An: Cô - trò đều thiếu kỹ năng

Vụ học sinh  lớp 4 ở lại nhà vệ sinh tại Nghệ An: Cô - trò đều thiếu kỹ năng

Cô giáo sơ suất

Việc một nữ sinh lớp 4 Trường Tiểu học Thanh Tùng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) được cho là bị “bỏ quên” nhiều giờ trong nhà vệ sinh thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Theo báo cáo của nhà trường, hết giờ giải lao, cô Trần Thị Loan lên lớp dạy tiết 4 thì được học sinh báo “bạn Q. đi tiểu ướt quần”. Cô đã giải thích với các bạn trong lớp: “Đó là việc bình thường, có người nhịn tiểu được lâu, có người không nhịn lâu được, các em không được nói bạn”.

Sau đó, cô Loan cho em Q. về nhà để thay quần áo (nhà Q. cách trường khoảng 20m) và tiếp tục dạy học cho các bạn trong lớp. Thời gian còn lại không thấy em Q. trở lại lớp, nhưng cô Loan nghĩ do em ngại nên không đến học tiếp buổi này nữa. Hết buổi học, bố của em Q. là anh Chiến không thấy con về nên đến trường cùng bác bảo vệ đi tìm thì thấy Q. ở trong nhà vệ sinh.

Sau khi nhận được thông tin, giáo viên chủ nhiệm là cô Trần Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Tùng đến gia đình, gặp gỡ, động viên học sinh và trao đổi rõ về sự việc. Tại đây, cô Loan cũng nhận sơ suất của mình là không kiểm tra học sinh xin ra ngoài lâu không quay lại lớp học, không liên lạc với phụ huynh đồng thời chia sẻ với sự lo lắng của gia đình khi không thấy con về nhà.

Thầy Trần Văn Sỹ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Tùng cho biết: Trong buổi sinh hoạt chuyên môn toàn trường, ban giám hiệu đã dành thời gian thông báo sự việc, yêu cầu cô Trần Thị Loan viết tường trình và rút kinh nghiệm trong quản lý học sinh cho cán bộ quản lý, giáo viên toàn nhà trường.

Giáo dục kỹ năng: Không thể theo kiểu nhồi nhét

Bà Nguyễn Thị Hằng (Quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An) trao đổi: Phòng đã nhận được báo cáo của Trường Tiểu học Thanh Tùng về sự việc học sinh ở trong nhà vệ sinh đến hết giờ học không về nhà. Phòng có văn bản gửi cho nhà trường yêu cầu ổn định tình hình dạy học, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý học sinh, xem xét mức độ sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan để xử lý phù hợp theo quy định. Đồng thời báo cáo nội dung sự việc với UBND huyện Thanh Chương, Sở GD&ĐT Nghệ An.

Trao đổi về sự việc trên, ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay: Sở giao Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương chỉ đạo Trường Tiểu học Thanh Tùng có biện pháp ổn định tâm lý học sinh, tổ chức dạy học bình thường. Tiếp tục tăng cường kỷ cương kỷ luật, giờ giấc giáo viên. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sự việc và báo cáo về cho Sở GD&ĐT trước ngày 10/1.

Sự việc hi hữu xảy ra tại Trường Tiểu học Thanh Tùng (Thanh Chương) may mắn không để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ sự việc này cho thấy công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh trong các nhà trường vẫn chưa có sự thống nhất và đạt hiểu quả cao. Hình thức giảng dạy chủ yếu vẫn là khuyến khích dạy trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp hoặc lồng ghép, tích hợp trong các môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân.

Điển hình như Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh) liên kết với 1 trung tâm GD kỹ năng sống trên địa bàn để mời giáo viên về dạy với mức phí khá cao. Học sinh được học theo các chủ đề, chủ điểm khác nhau. Bài học dù có nhiều hình ảnh, video hoạt hình độc đáo, trò chơi, bài tập, hoạt động trải nghiệm nhưng việc dạy vẫn chủ yếu là lý thuyết, trong phạm vi lớp học.

Xung quanh việc dạy kỹ năng sống, ông Nguyễn Trọng Bé – Trưởng phòng Chính trị – Công tác học sinh sinh viên – Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh: Giáo dục kỹ năng sống là một trong những biện pháp quan trọng để tạo cho học sinh có kỹ năng tự bảo vệ mình khi lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, làm việc tốt hơn, có khả năng xử lý hiệu quả, đúng đắn các tình huống căng thẳng, khó khăn trong học tập, cuộc sống... Do vậy, các nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giải quyết sự việc, phòng chống tai nạn, thương tích đảm bảo an toàn cho học sinh.

Công tác chỉ đạo, quản lý về hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở Nghệ An chưa có sự liên thông và đồng bộ chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng. Nhiều trường học giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống còn hạn chế về năng lực và thiếu về kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Chưa kể điều kiện dạy học kỹ năng sống ở một số cơ sở chưa bảo đảm.  
                                                                       Ông Nguyễn Trọng Bé 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ