Vụ đấu giá 194 ha cao su tại Bình Phước tiếp tục làm rõ dấu hiệu bất thường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cơ quan chức năng đã chuyển Cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra nhiều dấu hiệu bất thường trong đấu giá cây cao su tại Bình Phước.

Trụ sở Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú.
Trụ sở Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú.

Tài liệu của Báo GD&TĐ cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ liên quan đến vụ đấu giá 194 ha cây cao su ở Bình Phước cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra nhiều dấu hiệu bất thường.

Theo nội dung vụ việc, ngày 20/7/2021, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn Cao su Việt Nam) có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch thanh lý vườn cây cao su để tái canh năm 2022 với diện tích 6.313,36 ha. Theo quyết định nói trên, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (Công ty Đồng Phú) có 593,82 ha được thanh lý 2021 tái canh 2022.

Ngày 6/10/2021, Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam có chứng thư thẩm định giá xác định giá của 34 lô cây cao su thanh lý thuộc 5 nông trường của Công ty Đồng Phú.

Đến ngày 26/10/2021, Công ty Đồng Phú có thông báo lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá. Theo thông báo nói trên, tài sản đấu giá là vườn cây cao su, diện tích 194 ha và giá khởi điểm là hơn 49 tỷ đồng.

Thông báo nói trên được đăng tải trên một đài phát thanh và một tờ báo. Ngoài ra, Công ty Đồng Phú không thực hiện việc đăng thông báo trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về Đấu giá tài sản.

Ngày 1/11/2021, Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (Công ty Bắc Trung Nam) có đơn xin dự xét chọn tổ chức bán đấu giá. Cùng ngày, Công ty Đồng Phú tổ chức chấm, xét duyệt hồ sơ lựa chọn tổ chức đấu giá và thống nhất lựa chọn Công ty Bắc Trung Nam là đơn vị tổ chức đấu giá.

Ngày 4/11/2021, Công ty Đồng Phú và Công ty Bắc Trung Nam ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 127/2021/BTN-CSĐP (sau đây gọi tắt là Hợp đồng dịch vụ đấu giá). Trong đó có nội dung, 11 lô cao su với tổng diện tích là 193,37 ha, giá khởi điểm gần 41 tỷ đồng và bước giá là 100 triệu đồng.

Công ty Bắc Trung Nam sau đó đã có thông báo bán đấu giá và có 25 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước.

Đến ngày 22/11/2021, Công ty Bắc Trung Nam tổ chức cuộc đấu giá trực tuyến dưới sự điều hành của ông Lê Anh Linh và sự tham gia của 25 khách hàng với giá khởi điểm là gần 41 tỷ đồng.

Qua 117 lần trả giá (39 lần trả giá hợp lệ, 78 lần trả giá bị từ chối), Công ty cổ phần gỗ Bình Định là đơn vị trúng đấu giá với giá trúng là gần 62 tỷ đồng.

Trong các ngày 22 và 23/11/2021, Công ty Bắc Trung Nam thực hiện chuyển khoản hoàn trả tiền đặt trước cho các khách hàng không trúng đấu giá. Đến ngày 1/12/2021, Công ty cổ phần gỗ Bình Định đã nộp gần 56 tỷ đồng tiền mua tài sản vào tài khoản Công ty Đồng Phú.

Sau khi Công ty Bắc Trung Nam tổ chức cuộc đấu giá, có một số cá nhân, tổ chức có đơn khiếu nại, tố cáo và báo chí phản ánh với nội dung cuộc bán đấu giá nói trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Diện tích cao su được đưa ra đấu giá. Ảnh: Dương Hùng

Diện tích cao su được đưa ra đấu giá. Ảnh: Dương Hùng

Có nhiều dấu hiệu bất thường

Tiếp nhận phản ánh, Thanh tra Bộ Tư pháp đã tiến hành thanh tra đột xuất đối với Công ty Bắc Trung Nam trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc thực hiện Hợp đồng dịch vụ đấu giá với Công ty Đồng Phú.

Theo tài liệu mà Báo GD&TĐ có được, quá trình Công ty Bắc Trung Nam thực hiện Hợp đồng dịch vụ đấu giá với Công ty Đồng Phú còn có một số tồn tại, vi phạm.

Cụ thể, hợp đồng dịch vụ đấu giá quy định bước giá không đúng với văn bản quy định bước giá của người có tài sản. Chi tiết hơn, theo quy định tại Hợp đồng dịch vụ đấu giá thì bước giá là 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng, Công ty Đồng Phú có công văn gửi Công ty Bắc Trung Nam quy định về bước giá có nội dung: “Bước giá 100 triệu đồng/lần trả giá. Số bước giá mỗi lần trả: n = 1, 2,... 10 (tối đa không quá 10 bước giá). Nội dung quy định về bước giá nói trên, không được các bên đưa vào Hợp đồng dịch vụ đấu giá là chưa đầy đủ.

Ngoài ra, việc ban hành quy chế đấu giá không phù hợp về thời gian theo quy định pháp luật. Cụ thể, ngày 5/11/2021, Công ty Bắc Trung Nam ban hành quy chế đấu giá. Cùng ngày, Công ty Bắc Trung Nam thực hiện việc niêm yết thông báo đấu giá tài sản tại trụ sở Công ty Bắc Trung Nam - Chi nhánh TPHCM và trụ sở Công ty Đồng Phú. Việc ban hành quy chế đấu giá nói trên là không thực hiện đúng Khoản 1 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, biên bản đấu giá được chỉ ra đã không ghi rõ tư cách pháp lý của đại diện người trúng đấu giá. Theo tài liệu, cơ quan chức năng cho rằng chưa có đủ cơ sở kết luận Công ty Bắc Trung Nam quy định giới hạn bước giá tối đa là làm hạn chế khách hàng trả giá mua tài sản.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết sẽ kiến nghị hoàn thiện thể chế, quy định cụ thể về bước giá, lần trả giá trong cuộc đấu giá theo hướng đảm bảo giá trúng đấu giá trong cuộc đấu giá tài sản là giá trúng cao nhất và không được hạn chế khách hàng trả giá.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cho rằng, chưa có cơ sở để xác định Công ty Bắc Trung Nam có hành vi ép buộc các khách hàng tham gia đấu giá nộp 2,5 triệu đồng chi phí đăng ký tạo tài khoản, duy trì tài khoản và 1 triệu đồng để đấu giá thử nghiệm.

Cơ quan chức năng cho rằng, pháp luật về đấu giá tài sản hiện nay chưa có quy định cấm tổ chức đấu giá thu khoản tiền để duy trì hệ thống đấu giá trực tuyến và tổ chức đấu giá thử nghiệm.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ về việc có hay không có việc Công ty Bắc Trung Nam ép buộc các khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nộp các khoản tiền trên.

Về phản ánh Công ty Bắc Trung Nam vận hành trang đấu giá trực tuyến lậu, quá trình đấu giá, hệ thống đấu giá trực tuyến bị treo, có dấu hiệu bị can thiệp dẫn đến nhiều khách hàng không trả giá được nhưng không dừng cuộc đấu giá theo quy định..., cơ quan chức năng cũng cho rằng, chưa đủ cơ sở kết luận nhưng sẽ chuyển cơ quan điều tra tiếp tục để làm rõ có sự can thiệp vào hệ thống đấu giá trực tuyến hay không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ