Vụ bạo lực trong học sinh tại Trường Quốc tế TPHCM: Đừng mang con trẻ ra để "ăn thua"!

GD&TĐ - Liên quan vụ bạo lực trong học sinh Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC), một phụ huynh có con bị đánh đã tổ chức livestream trên mạng xã hội thể hiện sự bất bình, thất vọng trước cách hành xử của phụ huynh, học sinh

Hình ảnh một số học sinh bị thương sau vụ xô xát. Ảnh: PHCC.
Hình ảnh một số học sinh bị thương sau vụ xô xát. Ảnh: PHCC.

Hành xử không khéo sẽ ảnh hưởng nhân cách học sinh

Liên quan vụ việc, 3 ngày qua, mạng xã hội xôn xao khi bà T.H.T livestream tố việc con gái mình bị đánh tại ISHCMC, dẫn đến thương tích và sang chấn tâm lý nặng nề. Theo phụ huynh này, khi đến làm việc, nhà trường đã không cho bà gặp cháu gái bị tố đã hành hung con của mình và đẩy sự việc để 2 bên gia đình tự giải quyết với nhau.

Liên quan vụ việc, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Quan điểm của Sở GD&ĐT TPHCM là nhà trường cần có trách nhiệm giải quyết sự việc như gặp phụ huynh, đảm bảo an toàn cho học sinh, ổn định tâm lý, tránh ảnh hưởng đến việc học tập…” 

Theo TS Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm đào tạo, ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp Jobway chuyện bạo lực học đường xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến trẻ cả thể chất lẫn tinh thần và hứng thú học tập.

Môi trường học đường phải là nơi an toàn nhất cho học sinh và cả những người đang vận hành trong hệ sinh thái đó. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận yếu tố khách quan là một môi trường đông người và các bạn trẻ đang trong độ tuổi phát triển, thích khẳng định cái tôi của mình thì đâu đó sẽ có những thành phần cá biệt và có sự va chạm.

Điều quan trọng là thái độ ứng xử của người lớn, cụ thể là nhà trường và phụ huynh. Vì chính điều đó sẽ ảnh hưởng đến hành vi, nhìn nhận vấn đề của người trong cuộc, đặc biệt là học sinh.

“Mục tiêu cuối cùng đạt được trong câu chuyện bạo lực học đường là giáo dục được nhân cách, cách hành xử, ứng xử của học sinh, chứ không phải là phủi bỏ trách nhiệm hay ai thắng ai thua. Cách ứng xử nhân văn của nhà trường và phụ huynh mới là cách giáo dục tốt nhất trong trường hợp này, để trở thành khuôn mẫu hành vi ứng xử cho học sinh noi theo trong những trường hợp sau. Việc bênh con một cách quá đáng con sẽ luôn luôn ỉ lại và nhân cách sẽ bị méo mó sau này”, TS  Đào Lê Hòa An chia sẻ.

Vụ việc bạo lực trong học sinh Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC) gây chú ý dư luận.
Vụ việc bạo lực trong học sinh Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC) gây chú ý dư luận.

Cha mẹ làm gì khi con bị hành hung

Khi xảy ra vụ việc, nhiều tài khoản cộng đồng mạng lên tiếng ủng hộ bà T.H.T và chỉ trích nhà trường. Tuy nhiên cũng có không ít người nhìn nhận lại sự việc và cho rằng cách xử lý của nhà trường là hợp lý, nhân văn và mang tính quốc tế, bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về tính mạng của con người.

Ở góc độ quyền của phụ huynh có con bị đánh, ThS Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập nhìn nhận: Với học sinh phổ thông, dưới 18 tuổi, cha mẹ là người giám hộ của trẻ. Do vậy, khi con bị hành hung, tấn công, bắt nạt, bạo hành, lạm dụng… ở trường, cha mẹ có những quyền nhất định để can thiệp và bảo vệ con cái.

Theo ông Bùi Khánh Nguyên, cha mẹ có quyền được nhà trường chủ động thông tin ngay khi có sự việc xảy ra vượt quá mức độ thông thường. Ví dụ, khi đã có sự xâm phạm thân thể hoặc thương tích.

Phụ huynh cũng có quyền được nhà trường thông tin rõ ràng về chính sách, nội quy của nhà trường đối với các hành vi bị kỷ luật cũng như quy trình thực hiện các biện pháp kỷ luật học sinh. Chính sách này phải được xây dựng từ trước và thông tin tới toàn thể học sinh, giáo viên, nhân viên, và cha mẹ.

Trong trường hợp trường không có chính sách này, cha mẹ có thể yêu cầu trường áp dụng theo điều lệ trường phổ thông hoặc theo các thông tư quy định việc khen thưởng, kỷ luật học sinh.

Ngoài ra, cha mẹ học sinh có quyền yêu cầu nhà trường lập hội đồng kỷ luật để xem xét vụ việc xâm phạm tới con mình và quyền được tham gia các cuộc họp với nhà trường để trao đổi thông tin, giải quyết sự việc; yêu cầu nhà trường có chính sách bảo vệ an toàn cho con trong trường hợp bị đe dọa bởi bạn bè hoặc người lớn trong trường.

Đồng thời, để ngăn chặn việc xấu xảy ra cũng như ổn định tâm lý cho con, cha mẹ có quyền cho con tạm ngưng học; Quyền được yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ từ các nhân sự liên quan trong trường như y tá trường, chuyên viên tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp; Quyền khiếu nại về việc nhà trường không thực hiện đúng quy trình kỷ luật học sinh cũng như không ngăn chặn bạo lực học đường. Trong trường hợp trường không giải quyết sự việc hợp lý dẫn tới việc con bị thương tích, xâm hại, cha mẹ được quyền báo cảnh sát.

Bên cạnh các quyền, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cũng cho rằng phụ huynh cần lưu ý có thể không có các quyền nhất định: Không được gặp trực tiếp học sinh gây ra thương tích hay xâm hại bạn. Lý do trường học phải ngăn chặn cuộc gặp này vì từ phía bị xâm hại, cha mẹ có thể không kiềm chế được và lao vào tấn công trẻ. Như vậy, từ  cái sai này sẽ dẫn tới cái sai khác và tiếp tục đẩy tình huống vào mức tệ hơn lúc ban đầu.

Cha mẹ cũng không được gặp trực tiếp gia đình của trẻ gây ra lỗi, với lý do tương tự là tránh xung đột, bạo lực giữa hai gia đình. Thông thường nếu có tổ chức gặp, phải thực hiện trong trường và do trường sắp xếp.

“Chuyện va chạm của học sinh với nhau có thể xảy ra và thường xảy ra, nhất là với lứa tuổi teen. Các em có thể nóng nảy, liều lĩnh, thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, thái độ đúng của nhà trường, cha mẹ sẽ ngăn sự việc trượt xa hơn. Mục tiêu tối thượng là bảo vệ an toàn được cho em học sinh gặp nạn, tiếp theo là cảm hóa được học sinh sai phạm, giúp em chủ động nhận thức được lỗi và hòa giải thành công với bạn. Trong trường hợp xấu nhất, hãy bảo vệ con bằng biện pháp cuối cùng như chuyển trường, chuyển nơi ở, chọn học online, thậm chí học tại nhà (homeschooling)…”, ThS Bùi Khánh Nguyên chia sẻ.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: “Thái độ, đạo đức của học sinh chịu ảnh hưởng nhiều từ gia đình. Đa số các em hư đều xuất phát từ các gia đình cha mẹ có hành vi không tốt hoặc không quan tâm giáo dục con cái. Một số em nhiễm từ bạn xấu nên vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc gần gũi với học sinh và phụ huynh rất quan trọng, giúp giảm bớt bạo lực học đường. Đồng thời, cha mẹ nên gần gũi tâm sự với con em mình để phát hiện các dấu hiệu mâu thuẫn trên lớp…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.