Vụ án Nhật Cường: Ông chủ hưởng lợi, nhân viên vào tù

GD&TĐ - Viện Kiểm sát đánh giá đường dây buôn lậu tại Nhật Cường rất tinh vi, có hệ thống.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu tại tòa.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu tại tòa.

Trong khi đó, các bị cáo là nhân viên công ty này cho rằng, ông chủ Bùi Quang Huy đang bỏ trốn mới là người hưởng lợi từ hành vi phạm tội.

Buôn lậu tinh vi

Ngày 7/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Tại tòa, đại diện viện kiểm sát đã tiến hành đối đáp, trả lời quan điểm của các luật sư cũng như 14 bị cáo.

Phía truy tố xác định, ông chủ của Nhật Cường là Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) là người cầm đầu đường dây buôn lậu số điện thoại, đồng hồ, máy tính… trị giá hơn 2.927 tỷ đồng. Huy cũng chỉ đạo lập 2 hệ thống kế toán khác nhau để che giấu việc buôn lậu đồng thời trốn 29 tỷ đồng tiền thuế.

Đánh giá vụ án, kiểm sát viên giữ quyền công tố cho rằng, đường dây buôn lậu tại Nhật Cường có số lượng đặc biệt lớn, diễn ra trong thời gian dài.

Để điều hành đường dây, Bùi Quang Huy đã tổ chức các nhân viên trong Nhật Cường thực hiện nhiều hành vi khác nhau và thậm chí cho người sang Trung Quốc lập chi nhánh đồng thời xây dựng phần mềm quản lý tài chính bí mật nhằm che mắt cơ quan chức năng.

“Đây là đường dây buôn lậu chặt chẽ, tinh vi. Các bị cáo bị truy tố tội buôn lậu cơ bản đều thừa nhận hành vi phạm tội” – kiểm sát viên nói.

Với tội danh “Vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, các bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính và Trần Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Nhật Cường đã thành khẩn khai báo.

Kiểm sát viên cho rằng, đã truy tố bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc đúng quy định.
Kiểm sát viên cho rằng, đã truy tố bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc đúng quy định.

Trong đó, bị cáo Hằng nhận tội nhưng bị cáo Ngọc cho rằng bản thân chỉ buôn lậu, không vi phạm kế toán vì Ngọc không có trách nhiệm lập báo cáo thuế, không có quyền truy cập phần mềm bí mật… Về quan điểm này, kiểm sát viên cho rằng phần mềm kế toán bí mật do Bùi Quang Huy xây dựng để hoạt động song song với phần mềm công khai.

Các bị cáo Ngọc và Hằng đều biết sự tồn tại của 2 phần mềm kế toán trong Nhật Cường. Cả 2 bị cáo cũng biết hàng hóa của công ty có nhiều hàng lậu, không giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn giúp sức cho Bùi Quang Huy “phù phép” sổ sách, số liệu để che giấu hành vi buôn lậu đồng thời trốn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Do vậy, kiểm sát viên cho rằng, truy tố bị cáo Ngọc về tội vi phạm quy định kế toán là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ông chủ hưởng lợi

Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án. Mở đầu, Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc Nhật Cường trình bày: “Bị cáo vừa có tâm trạng buồn, vừa thấy chua xót.

Bị cáo thấy mức án Viện kiểm sát đề nghị tuyên quá cao nhưng vẫn cảm thấy mình may mắn hơn bị cáo Mai Tiến Dũng, người đã bị mất trong quá trình điều tra. Bị cáo xin được xem xét cho hoàn cảnh của nhóm bị cáo làm việc tại Nhật Cường”.

Bị cáo Ánh tiếp lời: “Các bị cáo ở đây đều đến từ những vùng quê rất nghèo, ra thành phố mưu sinh. Các bị cáo không hề biết ông Bùi Quang Huy, lựa chọn làm ở Nhật Cường là ngẫu nhiên không phải cố tình.

Trong những ngày tình nguyện làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo biết ông Bùi Quang Huy đã bỏ trốn nhưng chính bị cáo đã tập trung anh em lại, động viên mọi người hợp tác để được hưởng khoan hồng”.

Bị cáo Ánh cho biết thêm, gia đình mình có 2 anh em trai nhưng đều là bị cáo trong vụ án này. Đến lượt mình, em của Ánh là bị cáo Trần Tất Khoa cho hay bản thân bị bắt khi vợ sắp sinh trong khi bố mẹ già đều trên 70 tuổi.

Anh trai Bùi Quang Huy, bị cáo Bùi Quốc Việt xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho nhân viên của Nhật Cường.
Anh trai Bùi Quang Huy, bị cáo Bùi Quốc Việt xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho nhân viên của Nhật Cường.

Bị cáo Khoa khóc và nói: “Bố mẹ bị cáo rất đau xót khi biết tin 2 con trai đi làm thuê đều phải nhận các mức án cao. Trong vụ án này, Bùi Quang Huy là người hưởng lợi duy nhất nhưng đã bỏ trốn, các bị cáo hầu tòa chỉ là những người làm thuê”.

Anh trai của Bùi Quang Huy tức bị cáo Bùi Quốc Việt cũng trình bày: “Bị cáo chỉ là nhân viên đi làm công, quá trình điều tra, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật”. Đứng trên bục khai báo, Bùi Quốc Việt khóc, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là nhân viên làm việc ở công ty Nhật Cường.

Bị cáo Nông Văn Lư, nhân viên của Nhật Cường trình bày: “Bị cáo sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, gia đình khó khăn, ra thành phố với mong muốn tìm công ăn việc làm kiếm sống.

Được nhận vào làm việc tại Nhật Cường, bị cáo không may thành người giúp sức cho ông chủ Nhật Cường buôn lậu”. Nông Văn Lư cũng bật khóc nức nở khi nhắc đến hai con nhỏ và người vợ của mình đang ốm đau, không có công ăn việc làm, không nhà ở.

Một bị cáo khác, Hoàng Văn Phong - Trưởng ngành hàng Apple của Nhật Cường cũng không cầm được nước mắt khi nhắc đến việc mình chưa làm tròn trách nhiệm của người con, người cha, người chồng khi vướng vòng lao lý. Phong cho rằng, mình chỉ vô tình có những vi phạm, giúp sức cho ông chủ Nhật Cường buôn lậu nên mong tòa án xem xét.

Trong khi đó, người không thuộc Công ty Nhật Cường là bị cáo Nguyễn Bảo Trung (lao động tự do) trình bày: “Cốt lõi của vấn đề buôn lậu là trục lợi cá nhân. Các bị cáo ở đây chỉ là những người làm thuê, hưởng đồng lương ít ỏi. Người hưởng lợi lớn nhất đã bỏ trốn mất”.

Chủ tọa cho biết sẽ tuyên án sơ thẩm vào 15 giờ chiều 10/5 (thứ 2).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.