Vụ 6.700 cây xanh: Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, sự việc chặt cây xanh vừa qua không nên “ngây thơ” cho rằng đây là sự vụng về hay thiếu hiểu biết, kém kinh nghiệm.

Nhiều nhà khoa học đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra vụ chặt cây xanh vừa qua tại Hà Nội
Nhiều nhà khoa học đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra vụ chặt cây xanh vừa qua tại Hà Nội

Trước đó, sự việc Hà Nội chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố gây tranh cãi trong dư luận. Ngày 22/3, lãnh đạo TP Hà Nội chính thức yêu cầu lập đoàn thanh tra, đình chỉ hàng loạt cán bộ Sở Xây dựng, yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng kiểm điểm vụ đốn hạ hàng ngàn cây xanh trên địa bàn thành phố.

Tại buổi Tọa đàm “Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” diễn ra chiều 23/3, nhiều nhà khoa học đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra vụ chặt cây xanh vừa qua tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, đưa ra kiến nghị, việc thanh tra không phải nhiệm vụ của Hà Nội. 

Hà Nội là Thủ đô cả nước, việc chặt cây không phải bức xúc của người Hà Nội mà là bức xúc của người dân trên cả nước. Chính phủ phải thanh tra sự việc này.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng, sự việc chặt cây xanh vừa qua không nên “ngây thơ” cho rằng đây là sự vụng về hay thiếu hiểu biết, kém kinh nghiệm.

“Không phải đâu, tất cả đều được đo đếm hết, không có gì tự nhiên cả. Tôi mong rằng, thanh tra đừng tìm ra những con kiến” - TS Liêm nói.

TS Liêm cũng nói về tác dụng của cây xanh như “một phần chất lượng cuộc sống”, chứng nhân lịch sử, tác dụng giáo dục, làm con người gần gũi sự sống...

Ông Liêm dẫn lời bà Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từng đánh giá về môi trường sống ở Hà Nội: “Tôi sống ở khu vực xung quanh toàn cây xanh. Buổi sáng ngủ dậy nghe thấy chim véo von. Đó là cái tôi không được nghe ở các đô thị khác trước đây tôi từng ở”.

Ông cũng dẫn chứng về tác dụng trồng cây trong giáo dục. Đó là câu chuyện ở Liên Xô trước đây ông được nghe. Khi đám học trò đầy bạo lực, thầy hiệu trưởng đã nghĩ cách là cho chúng trồng và chăm sóc cây trong vườn. Khi học trò tự trồng, tự chăm cây nên đã yêu thương, quý trọng cây cối mình trồng và chúng cũng giảm các trò bạo lực đi.

Tại hội thảo, GS Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp bày tỏ bức xúc, cảm giác cây xanh như bị tàn phá.

Ông Đăng cho rằng quyết định dừng chặt cây của ông Chủ tịch Hà Nội chưa đủ, chưa tương xứng với sai lầm chặt cây. “Theo tôi, lãnh đạo Hà Nội phải xin lỗi dân và phải sửa đề án, giải quyết ngay hậu quả một cách nhanh chóng”.

Theo ông Đăng, đề án chặt hạ 6.700 cây sai pháp luật, bởi theo Nghị định 64 của Thủ tướng chỉ có 3 loại cây có thể chặt phá không cần xin phép. Đó là cây đã đổ, chết và nguy cơ đổ gây nguy hại, cây nằm trong dự án phát triển. 

Trong đề án trên các cây thay thế không thuộc 3 loại cây trên nên phải xin phép. Thủ tục xin phép phải có đơn xin chặt cây nào, cây đó phải có địa chỉ, lý do, chụp ảnh từng cây một.

Ông cũng cho rằng, kỷ luật những cán bộ của Sở Xây dựng chưa hẳn đã thỏa đáng bởi những cán bộ chỉ “là người chấp hành”.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ