Những chính sách này phần nào đã giúp người dân bớt được nỗi lo về gánh nặng lãi suất, song vẫn chưa hết những lo ngại xung quanh nguồn vốn cũng như việc giải ngân vốn cho chương trình, khiến người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi để có thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi này.
Muốn vay phải có tiền gửi
Sau 5 tháng khi việc cho vay vốn hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) của gói 30.000 tỷ kết thúc, nhưng kể từ ngày 15/8 vừa qua, người dân lại tiếp cận vốn vay tại NHCSXH để mua, thuê mua NƠXH với lãi suất ưu đãi hơn so với lãi suất gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Theo đó, người dân sẽ được vay ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở với lãi suất cho vay của chương trình là 4,8%/năm, khoản vay này kéo dài trong khoảng từ 15 đến 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Bên cạnh một số điều kiện cơ bản như người vay vốn phải có đủ vốn tự có tối thiểu 20 - 30% giá trị hợp đồng mua bán hoặc giá trị dự toán đối với vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở, thì một điểm được cho là khác biệt của chính sách NƠXH lần này chính là người vay vốn phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng và mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Theo đại diện NHCSXH, khi vay vốn tại ngân hàng này, người vay chưa phải trả nợ gốc trong thời gian ân hạn 12 tháng kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt khi vay vốn chương trình NƠXH tại NHCSXH với các NHTM khác.
Cần cái “bắt tay” từ các bộ ngành
Mức lãi suất đã có, song hiện nay một trong những vấn đề được quan tâm là nguồn vốn cho NƠXH vẫn chưa được các bộ, ngành liên quan công bố chính thức. Trước đó, giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Xây dựng đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề nguồn vốn cho NƠXH dẫn đến hiện nay nguồn vốn cho lĩnh vực này chưa được khơi thông. Về vấn đề này, theo đại diện NHCSXH, hiện nay nguồn vốn để triển khai chương trình cho vay ưu đãi NƠXH thông qua NHCSXH đang là vấn đề được quan tâm và để chương trình triển khai có hiệu quả, không thể chỉ duy nhất dựa vào tiết kiệm của người vay mà cần dựa chủ yếu vào vốn từ Chính phủ.
NHCSXH mong muốn, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn để triển khai, thông qua việc huy động từ các nguồn lực khác nhau: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương dành một phần để chuyển qua NHCSXH cho vay nhà ở phục vụ quá trình đô thị hóa, phát hành trái phiếu, công trái nhà ở, tiền gửi tiết kiệm của nhân dân, vốn ODA...
Theo quy định, một trong những điều kiện khi vay vốn chương trình NƠXH tại ngân hàng này là người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn. Mục đích của điều kiện này là tạo thêm một phần nguồn vốn thực hiện chương trình. Đây là chính sách hoàn toàn phù hợp trong điều kiện nguồn vốn thực hiện chương trình hiện đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, không ít người băn khoăn về việc khoản tiền gửi tiết kiệm này có được dùng để thanh toán tiền nợ hàng tháng hay không, vì nếu vừa phải gửi vào quỹ tiết kiệm, vừa phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng sẽ thêm gánh nặng cho người vay vốn là những người có TNT và trung bình.
Không chỉ khó khăn về nguồn vốn, các chuyên gia nhận định thời gian tới khó khăn về nguồn cung NƠXH có thể cũng sẽ là nguy cơ nhãn tiền khi chính sách về NƠXH đã không đả động gì đến đối tượng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã vay vốn ở gói 30.000 tỷ đồng sẽ không được hưởng lãi suất 5% mà phải chịu lãi suất thương mại đối với phần vốn chưa giải ngân hết. Chưa kể, vốn vay NƠXH ở NHCSXH cũng không dành cho đối tượng là doanh nghiệp. Trong khi lợi nhuận đầu tư xây dựng NƠXH bị kiểm soát ở mức 10%, việc phải chịu lãi suất cao trong vay vốn đầu tư sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp và rõ ràng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của phân khúc này đối với các nhà đầu tư.
Có thể khẳng định, việc bố trí nguồn vốn cho NƠXH là chương trình có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn của Đảng và Nhà nước. Những quy định về nguồn vốn cho NƠXH đã được đưa vào luật, vì thế không thể vì lý do nọ lý do kia để trì hoãn.
Bởi hiện nay nhu cầu về NƠXH đang rất cấp thiết, Chính phủ đã chỉ đạo và vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực hiện như thế nào để đưa nguồn vốn này vào chương trình có hiệu quả. Nếu không tích cực, không quyết liệt hoặc không tập trung để vận hành đưa nguồn vốn đó vào thực hiện thì tất cả những chính sách đó chỉ ở trên giấy, không đi vào cuộc sống và không có ý nghĩa.