Vó ngựa ở châu Lâm Bình

GD&TĐ - Báo Giáo dục và Thời đại xin giới thiệu đến độc giả tác phẩm "Vó ngựa ở châu Lâm Bình" của tác giả Dương Thường.

Vó ngựa ở châu Lâm Bình

Trung tuần tháng Chạp, bầu trời ở châu Lâm Bình giăng một màu xám xịt. Dọc quan đạo qua những khoảng rừng rậm, gió mùa Đông Bắc rít từng cơn vi vút trên ngọn cây, hữu ngạn mênh mông những cánh đồng nước chạy ngút mắt xa về cuối đường chân trời. Giữa thinh không từng đàn sếu bạc từ phương bắc về cất lên tiếng kêu như hoài niệm cố hương.

Chiêu Văn Vương ghìm vó ngựa nhìn chăm chú về độc đạo chạy qua giữa hồ nước xanh ngăn ngắt, thấp thoáng những động cát tinh khôi như núi tuyết nhấp nhô. Trên hồ từng đàn cò trắng chao lượn với những vũ điệu đẹp đẽ và bình yên đến nghẹn lời. Vương ngoảnh lại nói với sư Hòa:

- Toa Đô nhận chức Hữu Thừa hành, đã thống lãnh 20 vạn quân với hơn 1000 chiến thuyền đang tiến về Vijaya dự định chiếm lấy Chiêm Thành, sau đó sẽ thúc quân bắc tiến tạo thế gọng kìm cùng với đại quân 30 vạn của Trấn Nam Vương Thoát Hoan hùng hổ tiến từ bắc xuống hòng bóp nghẹt quân ta.

Ô Mã Nhi thống lãnh 3000 chiến thuyền với 10 vạn quân từ cửa biển sẽ ngược sông Hồng chặn đường quan quân của Quan gia và sẵn sàng cơ động chi viện các nơi. Thế nước nguy cấp như tảng đá ngàn cân treo đầu sợi tóc...

Sư Hòa trầm giọng:

- Theo lệnh Vương gia, lão đã chọn và huấn luyện được hơn 3000 quân tinh nhuệ, lại chọn được 101 người giỏi nhất ngày đêm luyện tập chờ lệnh của ngài. Một trăm lẻ một người này chủ yếu ở đất Lâm Bình, đa số là cô nhi...

Chiêu Văn Vương ra hiệu quay ngựa trở về, tả hữu có hai bộ tướng trung thành luôn theo Vương như hình với bóng, phía sau sư Hòa và Cát ngồi trên lưng ngựa không cần yên cương. Suốt cả 10 ngày gặp Vương gia, Cát không nói một tiếng nào, chỉ ánh mắt lúc nào cũng sáng rực lên như ngọn lửa.

Cát tay cầm một ngọn phong đao đen nhánh, lưng trần đeo chéo một ngọn mác Thông lững lững đứng giữa đồi cát trắng lấp lóa. Hai bộ tướng của Vương thúc ngựa lao đến, ánh đao trong tay hai tỳ tướng chớp lên hai cây dương liễu to như bắp đùi người lớn đổ rạp xuống như người ta chặt cây chuối non.

Cát quét ánh nhìn vào mắt hai con chiến mã, hai con chiến mã khựng lại rồi chồm lên, như ngọn gió Cát lướt mình vào giữa khoảng cách 2 thân ngựa, ngữa người trượt đi trên cát vung đao đập mạnh vỏ đao vào 2 chân ngựa 2 bên, tiếng bụp trầm đục vang lên hai con chiến mã liêu xiêu rồi ngã xuống. Hai bộ tướng tung mình nhảy lên, chân chưa chạm đất, không nhìn lại phía sau mà từ cánh tay mỗi người 3 mũi tên vun vút liên châu bay về lưng Cát, Cát ngược thanh đao múa lên 6 mũi tên đã bị chặt làm đôi, dư lực của đầu tên cắm sâu vào thân cây 2 bên sâu đến nửa gang tay.

Cát chụp lấy 2 thanh gỗ Chà Ran vót nhọn phóng ngược trở lại, 2 hình nộm gỗ mặc giáp da bị đâm xuyên qua ngọt như người ta dùng mác đâm qua hình bù nhìn bằng đất bùn.

Vương lặng người nhìn sư Hòa gật đầu rồi bước về phía Cát, cỡi chiến bào Ngự ban trên thân mình khoác vào vai Cát. Cát cúi đầu, vái Vương và 2 bộ tướng rồi lặng lẽ bước đi.

Ba ngàn quân dưới sự huấn luyện của sư Hòa, hằng ngày vào rừng chặt củi, đốn tre, cuốc đất trồng đậu, trồng lúa rồi ra sông, hồ bắt cá. Những bó củi họ chặt đều tăm tắm, 100 cây như một chiều dài bằng nhau, tất cả đều được chặt bởi 1 nhát đao duy nhất, tre cũng vậy, những thân tre đực như cườm tay già đanh được đốn bởi 1 lần vung đao. Chỗ gốc tre để lại 1 vết chặt chéo phẳng lỳ những sợi gân tre như người ta dùng bào mà chuốt.

Khi họ nhảy xuống sông, xuống hồ bắt cá thì có thể nhịn thở mà lặn theo cá, bàn tay vung ra nhanh, khéo và mạnh khiến cho cả những loài cá da trơn như trê, leo... đều bị siết chặt trong lòng bàn tay. Có những ngày họ nằm dưới bùn, bất động đến nỗi những đàn cò trắng bay sà xuống rồi đậu lại bắt cá tôm như chỗ không người.

Cát luyện tập riêng cho 100 quân tuyển chọn, những cánh tay vung lên thì những cây gỗ Chà Ran cứng như đá lìa khỏi gốc mà cành lá chưa kịp rung lên. Ngọn mác thông trong tay họ ném đi chưa kịp nghe tiếng hét đã xuyên qua 3 thân cây chuối ngọt như 1 tia chớp.. 100 người mình trần đen như gỗ mun, lưng đeo mác thông, tay cầm những cổ đao đen nhánh.

Trên đầm lầy 3000 quân nằm trong bùn bật dậy tay vung đao, tay ném mác nhất tề theo tiếng hò của sư Hòa:

- Bơ...hò...

Tiếng binh sĩ hét vang:

- Bơ hụi...

Tiếng sư Hòa:

- Hết hụi ta hò khoan...

Tiếng binh sĩ vang lên như sóng triều:

- Là hố, là khoan...

Tháng giêng năm Ất Dậu ( 1285), Chiêu Văn Vương chia tay sư Hòa và quân sĩ về Thanh Hóa chuẩn bị kế hoạch lập phòng tuyến chặn đánh quân giặc. Lúc này Trần Kiện cháu ruột của Thượng hoàng đã theo lệnh Chiêu Văn Vương thống lĩnh 3 vạn quân ngày đêm luyện tập ở đó.

Trong buổi từ biệt, Vương và các bộ tướng của mình đã tự tay giết trâu khao quân, đem chum rượu quý của mình chia đều cho binh sỹ. Nước mắt Vương chảy tràn khuôn mặt, quỳ xuống vái lạy quân sĩ và sư Hòa. Hơn 3000 thanh đao vung lên và tiếng hô trầm rền như sấm dậy:

- Sát Thát...sát Thát...sát Thát...

Tháng 3 năm Ất Dậu ( 1285) Toa Đô dẫn quân đánh ra Đại Việt . Đêm mùa xuân dừng chân ở châu Lâm Bình, Đô sai bộ tướng lui ra, một mình ngồi uống rượu ngắm trăng, những đồi cát chạy dài ở đây khiến tâm hồn chiến tướng dày dạn trận mạc nhớ về thảo nguyên nơi y sinh sống cùng bộ tộc Trát Lạt Diệc Nhi những ngày ấu thơ.

Y hồi tưởng những lần cùng 4 vệ tướng và 100 dũng sỹ của mình chinh chiến khắp thảo nguyên. Nhớ ngày ở thành Tương Dương, y cùng các dũng sỹ của mình xông pha giữa hàng chục vạn quân Tống như sói giữa đàn cừu. Có trận một mình Toa Đô chém 300 thủ cấp quân Tống. Lại có những trận y chỉ cần đem bộ tướng và 100 dũng sỹ hàng phục cả 3 vạn quân chiếm lấy Phàn Thành... người Mông Cổ đã ca ngợi đội quân của Toa Đô: "trăm quân kỵ quay vòng có thể bọc vạn người, nghìn quân kỵ tản ra có thể dài trăm dặm...vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu ở đó cỏ không mọc được...".

Dưới ánh trăng non bàng bạc khắp đồi cát, chợt vẳng trong gió xuân tiếng sáo trúc trong ngần và mềm như lụa. Toa Đô nghe trong tiếng sáo có hình ảnh thảo nguyên trải dưới trăng, từng đôi ngựa sải vó như lướt trên sóng cỏ, hoa lê trắng như đốm lửa tình lấp lánh đêm xuân. Đô tung mình nhảy lên lưng chiến mã, con chiến mã quen chinh chiến trăm trận với chủ tướng lặng lẽ, nhẹ nhàng vút về phía tiếng sáo.

Bếp lửa bập bùng hiện lên, một thiếu nữ vận bạch y ngồi bên ngọn lửa thổi sáo một mình. Toa Đô khẽ khàng xuống ngựa, bước nhẹ đến sau lưng thiếu nữ, bàn tay cầm chuôi đao buông lỏng rồi rồi rời đao. Thiếu nữ hốt nhiên quay người lại mỉm cười, nụ cười ma mị đẹp đến lặng người.

Toa Đô ngồi xuống, thiếu nữ đưa tay chỉ về phía bình rượu, Đô tháo đai đeo thanh bảo đao ra đặt bên cạnh rồi ghim ánh nhìn về phía người con gái. Thiếu nữ đưa bầu rượu lên uống 1 ngụm rồi ném về phía Toa Đô. Y chụp lấy rồi tu 1 ngụm, hơi rượu nồng cay cháy lên trong cuống họng rồi trôi xuống, hắn cười to rồi uống mạnh 1 hơi. Ngọn lửa bập bùng dưới trăng khuya, cô gái cất tiếng hát, bài hát về Thảo nguyên mênh mông bằng tiếng Mông Cổ. Chỉ thấy lời hát đưa người ta trôi đi dưới trời xanh lồng lộng, gió và hoa cuốn theo vó ngựa mênh mang, mặt trời mọc rồi lặn...

Toa Đô mắt ướt, dốc cạn bình rượu, nhắm mắt cảm nhận đêm trăng quê nhà. Thiếu nữ vung đoản đao lên, mũi đao sắp cắm vào cổ Toa Đô thì 2 mũi lên bay đến găm sâu vào tay và ngực thiếu nữ, đoản đao rơi xuống, nàng kịp lăn mình xuống chân đồi cát, thấy một cánh tay nhấc nàng lên rồi lao vút đi. Toa Đô giơ tay ngăn ra hiệu cho 2 bộ tướng dừng lại rồi quay ngựa trở về.

Hồ Sen bình yên, nước xanh sóng trắng vỗ bờ, từng đàn Diệc xám bay lượn lên xuống hai bên độc đạo. Bộ tướng bẩm với Toa Đô :

- Hồi Hữu Thừa hành đại tướng quân, phía trước chim cò bay lượn, chắc chắn không có quân mai phục, hơn nữa Thiên lý mã có thể ngửi hơi người và binh đao lạ trong vòng cả 5 dặm... đường này có thể đi qua.

Toa Đô gật đầu vẫy tay, 2 cánh quân tả hữu tản ra theo vòng cánh cung tiến lên. Chim chóc nghe tiếng người ngựa vội cất cánh bay lên rợp cả mặt hồ. Hai cánh quân tiến lên vài dặm, Toa Đô vẫy tay, bốn chiến tướng mặc giáo da bò tay lăm lăm trường đao hộ vệ Toa Đô. Trăm dũng sĩ tinh nhuệ răm rắp vó ngựa bảo vệ chủ tướng phi nước đại qua độc đạo giữa hồ.

Chợt trên ngọn đồi cách đó không xa vang lên Tù và. Tiếng hát vang vọng: "bơ hò, bơ hụi..." đồng loạt những thanh đao nhoài lên chặt lìa những chân ngựa chiến, ngọn đao bén ngọt, đàn ngựa đang lao đi đồ sầm xuống bùn lầy 2 bên về đường, trăm dũng sĩ của Toa Đô phần lớn bị những ngọn mác thông xuyên qua người bỏ mạng. Những giáp sĩ còn lại bọc lấy hộ về cho chủ tướng.

Tiếng hò vừa cất lên Cát 2 tay hai đao chém lìa chân 2 ngựa chiến của bộ tướng Toa Đô, hai ngọn mác đoạt luôn 2 mạng. Trong tay Cát, ngọn mác lại lao vút về phía Toa Đô với tốc độ kinh người. Hàng loạt lưỡi đao xé gió chém lên ngọn mác nhưng chỉ chém được đoạn sau của cán, một bộ tướng dùng sức bình sinh nhảy ra chắn trước mặt Toa Đô vừa vặn ngọn mác xuyên qua áo giáp và thân thể người đó rồi theo dư lực đâm sượt qua vai Đô. Hai cánh quân thiện xạ đã kịp bắn cả ngàn mũi tên xuống. Trăm tráng sĩ người châu Lâm Bình gần như bỏ mình vì đất mẹ. Bỗng lửa khắp nơi ngùn ngụt cháy, hàng vạn những tiếng reo vang vọng khắp đồi cát: "là hố, là khoan...".

Bộ tướng còn lại cùng với hơn 10 dũng sĩ Mông Cổ bao bọc Toa Đô trong sự bảo vệ của 2 cánh quân phi nước đại vượt qua độc đạo. Trời bỗng đổ trận mưa lớn, mây đen giăng tối sầm mặt đất, sấm rền xé cả bầu trời. Động cát gần hồ theo mưa trôi xuống vùi lấp tất cả chiến trường thành 1 nấm mộ to kéo dài cả nửa dặm. Sư Hòa cùng gần 3000 chiến binh quỳ xuống lạy về phía chiến trường.

Cát dẫn đoàn quân cấp tốc phi ngựa về Thanh Hóa, thì nhận được tin Chiêu Văn Vương bại trận, không cản được thế giặc mạnh nên lui về kinh đô hội quân cùng Quan Gia và Quốc Công Tiết Chế... Cát nghe được chuyện Chương Hiến hầu Trần Kiện trong lúc giặc vây thành đã mở cửa thành hàng giặc mang theo cả vạn quân... Vương dẫn quân còn lại mở đường máu ngược về Kinh đô.

Tháng Năm, Chiêu Văn Vương dẫn quân đánh tan quân giặc ở Hàm Tử quan, tàn sát quân của Toa Đô và bắt sống 3 vạn quân giặc.

Tháng Sáu năm Ất Dậu ( 1285) Thượng Hoàng Trần Thánh Tông cùng vua Nhân Tông mang theo Chiêu Văn Vương hội quân với Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương. Thanh thế, sỹ khí quân ta như triều dâng. Toa Đô và Ô Mã Nhi bị vây ở Tây Kết, vòng vây khép chặt, Chiêu Văn Vương vẫy tay ra hiệu, 1 bộ tướng mặc áo vải thô xông vào giữa vạn quân, ngọn mác Thông đâm xuyên mãnh tướng hộ vệ, hai lần khua đao chém bay đầu 6 dũng sỹ Mông Cổ, rồi lần vung đao tiếp theo chém gãy bảo đao của Toa Đô. Sau đó xách đầu Toa Đô dâng lên trước Nhân Tông.

Vua Nhân Tông xuống ngựa cỡi Hoàng bào của mình phủ lên thủ cấp Toa Đô, hoàng thượng cảm khái thốt lên:

- Người làm tôi phải nên như thế này!

Chiêu Văn Vương hộ giá nhà vua. Thắng giặc xong tìm lại không thấy tráng sỹ lập đại công đâu, chỉ thấy quân sĩ dâng lên bộ chiến bào Ngự ban mà Vương đã tặng Cát và một thanh đao màu đen lấp lánh.

Đại Việt sử ký toàn thư gần như ghi chép lại toàn bộ công lao của Vua tôi nhà Trần trong cuộc kháng Nguyên vệ quốc. Sử gia Ngô Sỹ Liên viết về Chiêu Văn Vương trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng: "công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả". Hứa Tông Đạo ( một người đời Tống) viết về Chiêu Văn Vương trong cuốn Bạch Hạc thông thánh quán chung ký rằng: "Đến thẳng trước Ngự, hầu bên hữu giá, tập hợp quân sỹ, chém đầu Toa Đô...".

Ngày nay người đi qua châu Lâm Bình vẫn còn thấy một hồ nước xanh ngăn ngắt, dập dìu sóng biếc, phía xa nổi lên những động cát trắng tinh khôi lấp lánh như phủ tuyết. Người dân ở đó còn lưu truyền những làn điệu dân ca với những câu: "Bơ hò...bơ hụi, hết hụi ta hò khoan...là hố, là khoan...!".

Trời ở xứ đó cuối xuân đầu hạ ngăn ngắt xanh và dập dìu mây trắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ