(GD&TĐ) - Để 12 ngàn lao động Việt Nam có cơ hội sang lao động tại Hàn Quốc, ước tính sẽ phải đưa ít nhất vài ngàn người trong số hơn 23.000 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc phải trở về Việt Nam. Theo các chuyên gia, thì đây là điều vô cùng khó khăn. Còn với những người chưa thể đi xuất khẩu lao động như anh Quyền, anh Thùy... khi đã chi hàng chục cây vàng để có thể có cơ hội đi làm thì vẫn phải tiếp tục chờ đợi, và làm một công việc tạm nào đó.
Tiền mất tật mang
Những ngày này, anh Lưu Đình Quyền, ở xã Tam Dị, (Lục Nam, Bắc Giang) thường xuyên vào xem thông tin về việc đi lao động tại Hàn Quốc của mình. Mặc dù trên hệ thống quản lý lao động, anh đã đạt số điểm thi tiếng Hàn 196 so với điểm tiêu chuẩn 136 điểm. Nhưng kể từ khi hồ sơ của anh được tiếp nhận từ cuối năm 2010 đến nay, anh vẫn chưa được gọi đi làm.
Nói về vấn đề chưa được đi xuất khẩu lao động anh Quyền chia sẻ: Em làm hồ sơ từ năm 2010, nộp đúng ngạch cho Bộ Lao động Thương binh Xã hội hẳn hoi, em cứ theo dõi số vạch trên mạng, thấy 4 vạch rồi, tức là được chấp thuận đủ điều kiện và chuẩn bị đi rồi, nhưng chờ mãi chả hiểu sao vẫn không thấy gọi, mà hết tháng 10 này là hồ sơ của em hết hạn rồi, coi như lại bỏ. Em cũng nghe nói là từ tháng 8 vừa rồi, thì mình không được sang bên Hàn Quốc làm việc nữa, họ dừng nhận lao động rồi, nên coi như chẳng còn hi vọng gì nữa.
Kiểm tra tiếng Hàn cho người lao động Việt Nam trước khi đi lao động |
Không thể đi lao động tại Hàn Quốc, không chỉ mất cơ hội cải thiện thu nhập kinh tế của gia đình anh cũng đã bị ảnh hưởng do đã phải bỏ ra một khoản chi phí lớn cho việc chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Năm 2007, ông Lưu Đình Cấp, bố của anh Quyền đã bỏ ra tới hơn 10 cây vàng để anh đi học tiếng Hàn và làm các thủ tục hồ sơ. Làm nông nghiệp, chắt chiu 20 năm trời được có vậy. Vàng lúc đó chỉ có hơn 8 triệu một cây, xong năm 2010 họ trả lại tiền đặt cọc, tính ra chưa bằng 2 cây vàng.
Ở xã Lục Nam (Bắc Giang) hiện vẫn còn hơn 100 người đã nộp hồ sơ và đủ điều kiện, nhưng vẫn chưa thể đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Con trai của bà Nguyễn Thị Hiên cũng là một trong số này. Con bà đã nộp hồ sơ xét tuyển đi lao động tại Hàn Quốc từ cuối năm 2011, nhưng đến nay, vẫn chưa có tin báo có được đi hay không.
Bà Hiên (Tam dị, Lục Nam, Bắc Giang) chia sẻ: Thà không đạt tiêu chuẩn đã đành, đằng này đỗ đạt rồi mà cứ chờ đợi chỉ vì những người trước không chịu về, kiểu con sâu bỏ rầu nồi canh thế. Ở nhà thì tâm trạng bất an, tệ nạn nhiều lắm, anh bảo mới đây nhà tôi đã mất 4 con gà, nghiệm ngập rồi các thứ.
Anh Nguyễn Văn Thùy – xã Huyền Sơn (Lục Nam, Bắc Giang): Mình cũng đang đợi chờ như mọi người thôi, chờ mãi mà không thấy người ta gọi. Mình cũng bỏ ra hơn 20 triệu đồng để học tiếng, làm hồ sơ. Và cũng mất một khoản kha khá nữa để chạy thủ tục đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Trong khi chờ đợi mình cũng chỉ biết làm vườn, ruộng thôi.
Mất cơ hội việc làm
Ông Trần Đình Hương, Trưởng thôn Đồng Thịnh (xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cho biết: Ở Tam Dị phong trào đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều với mong muốn làm giàu. Những người dân ở làng tôi đã đi xuất khẩu lao động trở về thì đúng là họ có vốn, phát triển kinh tế rất tốt. Những người dân xung quanh khác cứ nhìn vào đó để học tập nên phong trào đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều. Thế nhưng có mặt trái. Có gia đình chồng đi xuất khẩu lao động khi về vợ chồng bỏ nhau. Có gia đình vợ (chồng) đi xuất khẩu lao động gửi tiền về không biết quản lý khiến con cái hư hỏng, bỏ bê học hành...
Hiện nay trong thôn vẫn còn nhiều trường hợp đang trong tình trạng chờ đợi để được đi xuất khẩu lao động. Hàng ngày ở nhà vất vưởng, những thanh niên không công ăn việc làm này cũng dễ xảy ra nhiều tệ nạn xã hội. Đến bây giờ, hai nước đã “tạm dừng tiến trình thỏa thuận giữa hai bên về chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam” thì cơ hội việc làm với những thanh niên này đã vuột qua mất.
Việc ngừng xuất khẩu lao động đã ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn cơ hội việc làm của lao động Việt Nam. Người đã chuẩn bị đi, họ không làm việc khác được mà cứ thấp thỏm chờ đợi. Mất thời gian tức là mất tiền. Ông Vũ Văn Bình - Trưởng Phòng Lao động - Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh |
Việc ngừng nhận lao động Việt Nam của Hàn Quốc rõ ràng là ảnh hưởng rất lớn đến khu vực nông thôn. Đồng thời nó ảnh hưởng đến cả uy tín của lao động Việt Nam tại các thị trường lao động khác. Chúng ta cần vạch rõ nguyên nhân để có những giải pháp ngăn chặn. Ông Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn |
Bách Liên