Vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình để chạy xe quá tốc độ

Chỉ cần ngồi ở trung tâm điều hành, cả doanh nghiệp và đơn vị quản lý đều có thể biết được lái xe và xe ôtô đang hoạt động ở khu vực nào, và đi với tốc độ bao nhiêu.

Việc tài xế tìm cách vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Việc tài xế tìm cách vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Những tưởng giải pháp mạnh này sẽ giúp cho các chuyến xe tăng khả năng an toàn, nhưng trên thực tế, vì ý thức, nhiều lái xe vẫn cố tình “vô hiệu hóa” thiết bị giám sát hành trình để chạy xe quá tốc độ. Hay như những sai lệch dữ liệu từ phía nhà cung cấp và đơn vị quản lý, khiến lái xe chưa “tâm phục, khẩu phục”…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong 9 tháng của năm 2015, lực lượng chức năng của các tỉnh, thành đã thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến có thời hạn một tháng với 4.057 xe thông qua thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT).

Chỉ tính riêng trong tháng 9/2015, các đơn vị chức năng đã xử lý 373 xe. Cụ thể, 22/63 địa phương có báo cáo kết quả xử lý thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác hoặc từ chối cấp phù hiệu; 8/63 địa phương có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh và phê bình, cảnh cáo; 33/63 địa phương còn lại chưa có báo cáo.

“Tính lũy kế 9 tháng của năm 2015 đã xử lý 4.057 phương tiện và xử phạt vi phạm hành chính 499,85 triệu đồng,” ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.

Cũng theo kết quả thống kê của Tổng cục Đường bộ cho thấy, đến hết ngày 30/9-2015, bình quân có 70,12% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ. Đặc biệt, hệ thống máy chủ của Tổng cục đã "soi" được gần 18,2 triệu phương tiện vi phạm về tốc độ trong 9 tháng vừa qua của năm 2015.

Nhằm đảm bảo mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của xe kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đặc biệt là các địa phương thường xuyên có số lần vi phạm/1.000km ở mức cao) quan tâm chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý theo quy định.

Trên thực tế, có rất nhiều phản ánh trái chiều từ việc lắp đặt TBGSHT, bởi không ít doanh nghiệp lắp đặt chỉ để đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước. 

Nhiều doanh nghiệp hoạt động manh mún, nhỏ lẻ chưa thực sự hiểu rõ tác dụng của việc lắp đặt TBGSHT, trong khi chi phí cho mỗi thiết bị này lên tới 3 - 5 triệu đồng/xe. 

Có doanh nghiệp còn cố tình lắp đặt thiết bị không đảm bảo kỹ thuật, thông tin thiếu chính xác, độ tin cậy chưa cao, có trường hợp cố tình ngắt thiết bị giám sát khi xe đang lưu thông…

Có mặt tại Hội thảo “Thiết bị giám sát hành trình trong quản lý vận tải và an toàn giao thông” do Hiệp hội vận tải ôtô tổ chức ngày 9/10, ông Đào Thanh Anh - Phó Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp cung cấp TBGSHT thẳng thắn cho biết: 

TBGSHT đã đem lại nhiều lợi ích, về cả mặt xã hội, quản lý Nhà nước, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông, quản lý điều hành hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay cũng bộc lộ một số bất cập cần khắc phục.

“Hiện vẫn còn sai lệch số lần quá tốc độ giữa Trung tâm dữ liệu TBGSHT và máy chủ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nguyên nhân có cả lỗi chủ quan và khách quan, như phương pháp tính toán khác nhau, tốc độ đường truyền bị ảnh hưởng bởi thời tiết, tầng điện ly, các vật cản gây nhiễu tín hiệu.., gây ra trường hợp tốc độ đột biến lên hàng trăm km, hay tọa độ sai lệch hàng km. 

Về vấn đề gián đoạn hoạt động của TBGSHT, có thể do các lỗi khách quan hoặc cố ý. Vì vậy, khi xảy ra cần xác định nguyên nhân rồi mới xử phạt” - Ông Thanh Anh kiến nghị.

Tại hội thảo, ông Tô Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng - cũng cho biết: TBGSHT thực sự là người bạn tin cậy, không chỉ của các cơ quan hữu quan mà còn với doanh nghiệp vận tải trong việc quản lý, kiểm soát, khai thác hiệu quả phương tiện. 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm trên thị trường có nguồn gốc không rõ ràng, thiết bị chưa hợp quy, trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp vận tải để duy trì hoạt động của thiết bị còn lơ là...

“Tôi mong các nhà cung cấp TBGSHT cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp vận tải trong việc bảo hành, bảo dưỡng thiết bị, thường xuyên nâng cấp phần mềm tích hợp, nâng cao trách nhiệm duy trì tín hiệu của thiết bị, cập nhật và phong phú các tính năng hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng: Theo lộ trình, từ nay đến thời điểm hoàn thành việc lắp đặt, ngày 1/7/2018, nhu cầu TBGSHT là rất lớn. 

Đây là cơ hội thuận lợi cho các nhà sản xuất chân chính, nhưng cũng là lúc các đơn vị sản xuất kém chất lượng thừa cơ “đục nước” chen chân, tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng để kiếm lợi. 

Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần quản chặt việc cấp giấy phép sản xuất, như vậy vừa là nâng cao chất lượng, vừa là đảm bảo ATGT.

Theo cand.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ