Nhà văn Chu Lai cùng với vợ là nhà văn Vũ Thị Hồng vừa mới đây đã xuất hiện trong tập 1 chương trình “Quán thanh xuân” phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào tối hôm qua (6/1).
Tại đây, vợ chồng nhà văn quân nhân đã có những chia sẻ và tiết lộ lần đầu tiên với khán giả truyền hình về đám cưới thời bao cấp của mình.
Theo đó, chủ đề trong tập đầu tiên của chương trình xoay quanh đám cưới thời bao cấp của các khách mời và khán giả.
Khi MC Diễm Quỳnh cầm chiếc chậu nhôm (món quà tặng cho những khách mời và khán giả có ngày cưới vào tháng 1 có mặt tại trường quay) đến bên cạnh và hỏi nhà văn Chu Lai có cảm xúc gì khi nhìn thấy vật này, ông bày tỏ: “Nhìn chiếc chậu này trong tôi lại xốn xang trở lại về thời đám cưới bao cấp. Tất cả quà mừng đám cưới đều là nồi, niêu, xoong, chảo, gạt tàn thuốc lá,…cùng lắm là thêm một bếp lò xô, không có gì khác cả và nó chay tịnh như chùa chiền. Tức là đêm hôm đó, cô dâu, chú rể không có khái niệm đếm phong bì, trong đầu nhẹ thoáng vô cùng", cha đẻ tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng" nói.
Video: Nhà văn Chu Lai chia sẻ về đám cưới thời bao cấp của mình.
Chỉ có điều, nhà văn Chu Lai cho biết, đám cưới của ông khác những người cùng thời vì sau đám cưới “lủng củng nồi, niêu, xoong, chảo” trên, vợ chồng ông phải mang những thứ “lằng nhằng, lùng nhùng” ấy về căn phòng mượn của quân đội rộng 12 mét vuông.
Nhà văn Chu Lai.
“Như anh Chu Lai đã nói, tôi bây giờ tôi vẫn còn giữ được những đồ vật trên đến năm 1997, khi chuyển nhà tôi mới bỏ. Đó là một cái mâm nhỡ, hai cái nồi, một cái phích và hai ba cái chậu nhôm như của chương trình tặng.
Đó thực sự là những bảo vật mà tôi giữ mãi, khi chuyển nhà đi tôi vẫn còn muốn giữ, bởi đó là kỉ niệm của một thời không bao giờ quên các anh chị ạ!. Dù chỉ là một cái nồi bé tí chỉ đủ nấu cho hai vợ chồng thôi, chứ nếu nấu đến người thứ ba thứ tư thì chắc không được.
Đặc biệt, khi ấy tôi là biên tập viên của nhà xuất bản Quân đội nhân dân nên được tặng rất nhiều sách, về có lẽ là đêm tân hôn hai vợ chồng ngồi đọc sách ạ!”, bà xã tác giả tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” bộc bạch.
Tuy nhiên, ngày 17/2/1979 chiến tranh biên giới nổ ra, nhà văn Chu Lai lên đường đi cùng bộ đội Cao Bằng để chiến đấu với quân đội Trung Quốc ở pháo đài Cao Bằng. Còn bản thân nữ nhà văn thì đi theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi với Sư đoàn 3.
Vậy là vợ chồng họ mỗi người một nơi, cho đến một năm sau họ vẫn chia cách như vậy và vẫn không có nhà. Trong khi vợ ở nhà với bố mẹ và các em thì nhà văn Chu Lai ở trong khu tập thể quân đội.
Nhà văn Vũ Thị Hồng.
Đến năm 1980, sau khi sinh con đầu lòng được 8 tháng, vợ chồng nhà văn Chu Lai mới được phân một căn nhà và mới bắt đầu một thời “vợ chồng” đúng nghĩa.
Tuy nhiên, với đồng lương khi ấy của một trung úy, họ không đủ để nuôi con. Nhà văn Chu Lai phải bán chiếc xe mang từ miền Nam ra để mua một tủ lạnh để thức ăn cho con và mua một cái tivi “chuồng gà” bởi mỗi lần tắt đi là phải đập vài cái thì nó mới hiện hình.
Video: Nhà văn Vũ Thị Hồng chia sẻ về cuộc sống sau đám cưới.
“Thời ấy rất là khốn khó. Khi đó, bên cạnh nhà tôi có một nhà trẻ, anh Lai thường canh lúc buổi trưa, khi các cô giáo đi ngủ là trèo lên mái nhà để ăn cắp điện cho con có một tí mát. Rồi có cái tủ lạnh của Nga cũ thì phải đi bán đá. Ngượng lắm các anh các chị ạ, đi bán đá phải rình rình lúc sáng sớm tinh mơ mang ra hàng đá bán, tôi khi ấy tôi xấu hổ lắm. Nhưng đúng là càng khó khăn thì tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình càng gắn bó”, nhà văn Vũ Thị Hồng tiết lộ.