Vợ chồng cựu giáo chức khởi nghiệp ở tuổi 60

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vợ chồng giáo viên về hưu ở Quảng Nam đã dùng hết số tiền dành dụm được, đem đi mua sắm trang thiết bị để bắt đầu hành trình khởi nghiệp…

Bà Tiến và ông Hùng bên sản phẩm trà gừng hòa tan. Loại sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Bà Tiến và ông Hùng bên sản phẩm trà gừng hòa tan. Loại sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Sau khi về hưu, không để tháng ngày trôi đi trong nhàn hạ, vô vị, vợ chồng giáo viên ở Quảng Nam đã dùng hết số tiền dành dụm được, đem đi mua sắm trang thiết bị để bắt đầu hành trình khởi nghiệp với sản phẩm quê hương…

Lấy tiền hưu để đầu tư khởi nghiệp

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại xưởng sản xuất trà gừng và ngũ cốc của ông Trần Văn Hùng (sinh năm 1960) và bà Nguyễn Thị Tiến (sinh năm 1966) đóng tại tổ 7, thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Trước đây, bà Tiến dạy học ở Trường Tiểu học Trần Cao Vân, còn ông Hùng dạy ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (huyện Thăng Bình). Sau hơn 20 năm làm nghề “gõ đầu trẻ”, năm 2018 bà Tiến nghỉ hưu theo chế độ.

Khi mới nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, thỉnh thoảng bà Tiến cùng chồng lại làm bột ngũ cốc (đậu đen, đậu đỏ, mè đen, gạo lứt, đậu xanh – PV) để sử dụng và gửi cho người con trai đang sinh sống ở TPHCM dùng. Nhiều lúc, tiện làm một mẻ, bà Tiến làm ngũ cốc để tặng hàng xóm, người thân…

“Khi sử dụng mọi người uống thấy ngon nên tin tưởng đặt tôi làm để đảm bảo an toàn thực phẩm và sự yên tâm. Lúc này hai vợ chồng chỉ rang thủ công và đóng gói bán cho mọi người chứ cũng chưa nghĩ là khởi nghiệp hay làm xưởng sản xuất gì to tát cả”, bà Tiến chia sẻ.

Đến năm 2019, ông Hùng cũng bắt đầu nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nhận khoản tiền hưu, hai vợ chồng cựu giáo viên quyết định dồn hết số tiền vào việc chọn bột ngũ cốc làm sản phẩm khởi nghiệp. Bà Tiến cho biết, khi quyết định khởi nghiệp, hai vợ chồng bà đã gom hết số tiền dành dụm bấy lâu nay để đầu tư trang thiết bị, mua sắm máy móc và nguyên liệu. “Chi phí đầu tư hết gần 700 triệu đồng, nhiều người nói hai vợ chồng tôi khùng, cứ túc tắc làm vậy là có thêm thu nhập đủ sống, già rồi mà còn khởi nghiệp làm chi”, bà Tiến cười nói.

Vợ chồng ông bà đã tiến hành cải tạo căn nhà cũ rộng khoảng 70m2 để làm xưởng sản xuất. Máy móc trong nhà xưởng được ông bà lên mạng tìm hiểu và đặt mua. Ông Hùng chia sẻ: “Ban đầu bước vào khởi nghiệp rất khó khăn, không hề đơn giản như những gì mình nghĩ. Từ nguyên liệu sản xuất, đến bao bì sản phẩm, sản phẩm đưa ra thị trường phải có gì đặc biệt để có thể cạnh tranh, bởi vì hiện thị trường có rất nhiều loại ngũ cốc, nếu sản phẩm chúng ta không có thế mạnh thì sẽ bị thua thiệt ngay. Vì thế chúng tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thế mạnh của mình là gì để phát huy, lấy đó làm bàn đạp để tạo dấu ấn”.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự hỗ trợ của người con trai, ông bà bắt đầu cho ra sản phẩm ngũ cốc đầu tiên với tên gọi giản dị “Ngũ cốc cô Một”. Bà Tiến cho biết, để có được sản phẩm đậm chất miền quê đưa ra thị trường, bà sử dụng cách làm truyền thống trong quy trình chế biến ngũ cốc.

“Ví dụ như các loại đậu được lấy ở vùng ven sông thuộc huyện Thăng Bình, những loại đậu này có nét đặc trưng là bà con vùng trồng đậu không dùng thuốc trừ sâu, hạt đậu nhỏ, ít bị hư hỏng… Khi lựa đậu, chúng tôi phải lựa tay để loại bỏ hạt hư, thối. Đậu được rửa sạch khoảng 4 nước rồi đem phơi khô. Lúc rang đậu thì phải rang ở lửa vừa, đậu được rang chín vừa phải, nếu chín quá thì dễ cháy và gây ra độ khét khi xay. Còn nếu rang không tới thì đậu sẽ bị sống khi dùng dễ bị đau bụng và thành phẩm cũng không đạt độ thơm như ý”, bà Tiến bật mí.

Ông Hùng đang làm bột ngũ cốc.

Ông Hùng đang làm bột ngũ cốc.

Thu hoạch “quả ngọt”

Sau thời gian dài chuẩn bị, sản phẩm “bột ngũ cốc cô Một” của vợ chồng cựu giáo chức đã được tung ra thị trường. Điều đáng mừng là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi giá thành vừa phải, mang lại giá trị dinh dưỡng và điều đặc biệt là sản phẩm mang đậm chất xứ Quảng.

Đến năm 2020, qua thời gian kiểm tra, đánh giá chất lượng, sản phẩm “Ngũ cốc cô Một” đã đạt được tiêu chuẩn OCOP (One Commune One Product tạm dịch là Mỗi xã một sản phẩm – PV) 3 sao của tỉnh Quảng Nam. Một thành quả đáng khích lệ cho những cố gắng của một cặp vợ chồng giáo viên “dám dấn thân” sau khi nghỉ hưu.

Sau khi sản phẩm đầu tiên ra đời và được người dân đón nhận, bà Tiến và ông Hùng tiếp tục xin cấp phép để nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm trà gừng hòa tan. Bà Tiến cho hay, từ làm bột ngũ cốc chuyển sang làm trà gừng là một bước tiến dài song cũng gặp khá nhiều khó khăn.

“Trà gừng tôi làm là sản phẩm đặc trưng của dân Thăng Bình, bởi loại gừng mà tôi dùng là gừng sẻ, đây là loại gừng chỉ có ở vùng Thăng Bình. Củ nhỏ, độ cay vừa phải và có vị ngọt. Thời điểm đầu mới bắt tay vào làm sản phẩm trà gừng, vợ chồng tôi làm hư khoảng 200kg gừng sẻ, tính sơ sơ cũng mất hàng chục triệu đồng. Phải làm đi làm lại liên tục, có đêm hai vợ chồng thức trắng để nghiên cứu, điều chỉnh công thức làm sao cho phù hợp nhất đáp ứng mọi yêu cầu”, bà Tiến chia sẻ thêm.

Sau thời gian dài cần mẫn nghiên cứu, cuối cùng vợ chồng bà Tiến ông Hùng cũng có công thức làm trà gừng và sản phẩm trà gừng hòa tan đã được đưa ra thị trường. Năm 2021, sản phẩm đạt danh hiệu OCOP 3 sao, và giành được giải thưởng Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực 2022.

Từ đó đến nay, những sản phẩm ngũ cốc và trà gừng hòa tan của bà Tiến và ông Hùng đã bắt đầu có mặt trên khắp các thị trường miền Trung và miền Nam. Mỗi ngày, xưởng sản xuất gần 1.000 hộp ngũ cốc và trà gừng, cung ứng cho thị trường như: TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… sau khi trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng ông Hùng bà Tiến thu nhập hàng trăm triệu đồng, năm cao có thể lên đến gần nửa tỷ đồng. Không chỉ thu về lợi nhuận, điều vui nhất là xưởng sản xuất của đôi vợ chồng cựu giáo chức này còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 người dân địa phương.

“Kết quả thực tế đã chứng minh vợ chồng tôi không khùng khi dám bỏ chi phí đầu tư làm ăn khi tuổi càng ngày càng lớn. Chúng tôi đã luôn tin rằng khi khởi nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm, sản phẩm đó tạo nên dấu ấn cho địa phương, kéo theo đó kinh tế địa phương cũng sẽ phát triển. Thời gian tới, vợ chồng tôi dự định mở rộng cơ sở sản xuất, làm tốt hơn khâu tiếp thị thị trường để có thể đưa sản phẩm ra nhiều tỉnh thành trên cả nước”, ông Hùng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ