(GD&TĐ)-Bộ Tài chính vừa ban hành 4 thông tư mới về việc cắt giảm thuế nhập khẩu một loạt các mặt hàng. Theo đó, một loạt mặt hàng ở hầu hết các lĩnh vực sẽ dần dần được hưởng mức thuế nhập khẩu giảm dần trong thời gian 2-3 năm tới.
Cụ thể, thông tư số 20 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thực hiện hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và thông tư số 21 về hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2012-2015 sẽ cùng có hiệu lực từ ngày 1.4 tới.
Mặt hàng quần áo và may mặc phụ trợ sẽ có lộ trình giảm dần từ 13% vào năm 2012 về 11% và 9% vào 2 năm tiếp theo (ảnh MH) |
Theo Thông tư 20, một số mặt hàng quần áo và may mặc phụ trợ sẽ có lộ trình giảm dần từ 13% vào năm 2012 về 11% và 9% vào 2 năm tiếp theo.
Nhiều đồ điện tử khác cũng sẽ áp mức thuế mới như camera truyền hình sẽ giảm từ 5% về 2,5% vào năm 2014, một số loại máy quay kỹ thuật số thậm chí sẽ hưởng mức thuế suất 0% theo lộ trình giảm thuế suất này sau 2 năm nữa.
Các thiết bị gia dụng như đồ dùng nhà bếp, chậu rửa, bồn tắm,… cũng cứ mức giảm từ 19% vào năm 2012 xuống 14% vào năm 2014.
Ngoài 2 thông tư trên, thông tư số 44 và 45 nhằm thực hiện cam kết trong khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA) và Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) giai đoạn 2012-2014 cũng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/4/2012.
Lãnh đạo Tổng cục thuế cho biết: bốn biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt này bao gồm các mặt hàng Việt Nam đã cam kết cắt giảm trong các FTA nói trên, được phân loại theo cấp độ 8 số và được xây dựng trên cơ sở phù hợp với Danh mục hàng hóa Việt Nam năm 2012.
Biểu thuế ATIGA sẽ thực hiện giảm thuế đối với khoảng 1.800 dòng thuế, chiếm khoảng 19% dòng thuế Biểu ban hành. Mức thuế suất bình quân thực hiện năm 2012- 2014 giảm dần từ 1,88% năm 2012. xuống 1,77% vào 2013 và 1,69% vào năm 2014.
Về cơ bản thuế suất năm 2012-2014 bằng với mức thuế suất đã công bố theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BTC ngày 12/6/2008 của Bộ Tài chính về ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT/AFTA giai đoạn 2008-2013 và chỉ bao gồm các sửa đổi, bổ sung sau: Các mặt hàng thuộc các ngành đẩy nhanh hội nhập (PIS) có khoảng 1.600 dòng gồm các mặt hàng: thủy sản, cao su và sản phẩm cao su, dệt may, sản phẩm công nghệ thông tin, thiết bị và sản phẩm y tế, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử.... Theo quy định của Hiệp định ATIGA, các mặt hàng này sẽ giảm thuế xuống mức 0% vào năm 2012.
Các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm tiếp tục cắt giảm thuế: có 44 dòng thuế gồm: thịt gà, chanh bưởi, thóc gạo, thịt hộp được cắt giảm từ các mức 20%-10% xuống 10%-5%.
Bộ Tài chính cũng đưa các mặt hàng xăng dầu vào thực hiện cam kết giảm thuế: gồm 32 mặt hàng, với mức thuế suất theo lộ trình đã được các Bộ trưởng kinh tế ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN tháng 8/2010. Năm 2014, thuế suất ATIGA của các mặt hàng ôtô nguyên chiếc và xe máy giảm từ 60% của năm 2013 xuống mức 50%.
Biểu thuế ACFTA áp dụng năm 2012 so với năm 2011 chỉ tiếp tục thực hiện cắt giảm đối với gần 200 dòng thuế, mức cắt giảm khoảng 5-10% so với thuế suất ACFTA của năm 2011. Khoảng hơn 8.700 dòng thuế còn lại vẫn giữ nguyên thuế suất ACFTAcủa năm 2011.
Biểu thuế AKFTA: gồm hơn 8.200 dòng thuế trên tổng số 9.558 dòng thuế của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Biểu MFN). Về cơ bản, thuế suất AKFTA 2012 bằng với thuế suất AKFTA 2011, ngoại trừ một số ít dòng thuế có thuế suất thấp hơn do thay đổi danh mục hàng hóa.
Điều kiện để các mặt hàng hưởng mức thuế suất mới là hàng hóa phải được nhập khẩu từ các nước thành viên của Hiệp định, được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu và có đầy đủ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Về vấn đề giảm 200 dòng thuế cho hàng hóa Trung Quốc, Tổng cục Hải quan cho biết:
Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, trong năm 2012, gần 200 dòng thuế được cắt giảm, với mức cắt giảm khoảng 5-10 điểm phần trăm so với năm 2011, và hơn 8.700 dòng thuế còn lại vẫn giữ nguyên thuế suất như năm 2011. Cắt giảm nhiều nhất, với mức giảm 10 điểm phần trăm, là các sản phẩm: bộ đồ ăn, dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, sản phẩm vệ sinh bằng sứ, sản phẩm trang trí bằng gốm sứ, máy hút bụi, máy đánh bóng sàn, xe tải van, xe tải thông thường trên hoặc dưới 5 tấn, xe đạp máy và xe gắn máy.
Các mặt hàng được cắt giảm thuế suất từ 15% xuống còn 10% là: gạo, một số loại dầu thực vật, nước khoáng, đồ uống, mỹ phẩm, một số sản phẩm từ gỗ (quạt, tăm tre...), một số sản phẩm sắt thép (kìm, khóa, bản lề), lò vi sóng, bình đun nước nóng nhanh; thuế giảm từ 15% xuống 5% là webcam và camera; hay từ 20% xuống 15% là quạt (quạt bàn, quạt hộp, quạt tường, quạt trần).
Nhìn chung, Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế khá chậm trong thời gian năm năm đầu kể từ khi FTA ASEAN-Trung Quốc được ký kết vào năm 2004, nhưng lại nhanh hơn từ giai đoạn 2010-2015. Từ ngày 1-1-2008, Việt Nam đã áp dụng thuế suất 0% với các mặt hàng nông sản chưa chế biến nhập khẩu từ Trung Quốc (từ chương 1 đến chương 8 trong biểu thuế nhập khẩu).
Ngoài ra, nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản từ ngày 1-4-2011 đến 31-3-2012 đều được giảm thuế với mức giảm trung bình từ 0,5-3 điểm phần trăm so với thuế suất áp dụng từ ngày 1-4-2010 đến ngày 31-3-2011. Đó là các sản phẩm: cá, kẹo, ca cao, mì, miến, rau quả, nước ép..., theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).
Tuy nhiên, nhìn chung, so với ATIGA và ACFTA, lộ trình cắt giảm thuế mà Việt Nam cam kết trong VJEPA, FTA ASEAN-Nhật Bản, và ASEAN-Hàn Quốc có chậm hơn và không mạnh bằng. Trong đó, 90% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam được giảm thuế từ năm 2007, và giảm về 0% vào năm 2016, một số linh hoạt đến năm 2018. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, có 92% tổng dòng thuế có mức thuế 0% vào năm 2026, trong đó khoảng 85% sẽ có mức thuế 0% vào năm 2020, theo VJEPA. Có một số mặt hàng được cắt giảm thuế mạnh hơn trong VJEPA so với AJCEP, nhưng có một số mặt hàng lại ngược lại. Theo Bộ Tài chính, thuế suất FTA ASEAN-Hàn Quốc trong năm 2012 sẽ bằng với thuế suất trong năm 2011.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Úc, New Zealand cũng được giảm thuế trung bình 5 điểm phần trăm, như cá, sữa, rau quả, các chế phẩm ăn được, thuốc lá chưa chế biến, muối, mỹ phẩm, xà phòng, vải, quần áo... Trong khi đó, đối với FTA ASEAN - Ấn Độ, trong năm 2012, nhiều sản phẩm cũng được giảm thuế, nhưng mức giảm không đáng kể, giảm thêm từ 0,5-3 điểm phần trăm so với năm 2011.
Hải Minh-Thành Chung-Hoàng Yến