Mới đây, đại diện Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã làm việc với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để bàn về việc áp dụng công nghệ (VAR) cho V.League
Nếu hoàn thiện nhanh nhất các yêu cầu từ FIFA, công nghệ VAR sẽ có mặt ở V.League vào mùa 2023/24.
Đây là mùa đầu tiên bóng đá Việt Nam chuyển đổi lịch thi đấu giống như châu Âu nhằm đồng bộ hóa lịch thi đấu toàn cầu theo yêu cầu của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Kinh phí mà VFF và VPF phải bỏ ra cho VAR rơi vào khoảng 70 tỷ đồng.
Được biết, các thiết bị VAR (xe, máy quay…) trị giá khoảng 8 tỉ đồng, không phải vấn đề lớn với VPF nhưng nhân sự vận hành VAR bị thiếu nghiêm trọng. Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) yêu cầu VFF, VPF phải bố trí đủ 100 trọng tài để FIFA đào tạo nhưng Việt Nam chưa có đủ cơ số trọng tài.
Hơn nữa, thời gian qua do vướng dịch bệnh Covid-19 nên FIFA cũng chưa thể cử nhân sự sang Việt Nam, khảo sát quá trình chuẩn bị VAR của VFF, VPF.
Còn công nghệ Goal-line (mắt diều hâu), VPF chưa thể tính đến dù biết sẽ hỗ trợ rất nhiều trong những tình huống nhạy cảm như bóng đã lăn qua vạch vôi hay chưa. Hiện có 2 loại công nghệ Goal-line được FIFA công nhận và giá cả đắt hơn VAR.
Ở Đông Nam Á, VAR đã được áp dụng ở giải bóng đá vô địch quốc gia của Thái Lan từ năm 2019 (Thai League) và giúp giải đấu số 1 xứ chùa Vàng giảm thiểu những sai sót của trọng tài, hạn chế những phản ứng xấu xí từ các đội bóng, cầu thủ đối với các ông "Vua sân cỏ".
Thai League và Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) cho phép các đội được đăng ký dùng VAR trên sân nhà, với điều kiện phải tự bỏ tiền, với chi phí 82.000 baht/trận (hơn 60 triệu đồng). Đồng thời, các đội bóng Thái Lan phải có công văn đăng ký với ban tổ chức.
Trường hợp muốn đăng ký VAR ở cả 13 trận sân nhà tại Thai League 2020 thường sẽ phải chi trọn gói gần 1,1 triệu baht (gần 800 triệu đồng tiền Việt Nam).