Trước đây, cả tuần Minh Anh mới đi chợ một lần, nhưng từ khi có khuyến cáo ở nhà rồi giãn cách xã hội, cô lại đi chợ nhiều hơn. Thức ăn mua sẵn đầy tủ nhưng cứ 2 ngày cô lại đảo ra chợ, ra siêu thị mua rau. “Cho bớt căng thẳng và thấy thế giới còn những người khác chứ không phải mỗi ông chồng” – cô nói.
Nói vui, nhưng là thật. Trước đây chúng ta cứ nói vui với nhau rằng, nghỉ Tết, nghỉ lễ lâu quá cũng khiến vợ chồng cãi nhau, thì nay đại dịch khiến nguy cơ xung đột gia đình lớn hơn thế rất nhiều.
Vợ chồng lẽ ra là những người thân yêu nhất của nhau, giờ việc phải giam mình trong không gian một ngôi nhà, không được giao tiếp xã hội một cách bắt buộc sẽ rất dễ làm chúng ta căng thẳng. Trên tivi vẫn là những quảng cáo trai xinh gái đẹp, giờ quay lại cả ngày nhìn bạn đời của mình không chỉn chu, chị tất bật cơm nước, anh dán mắt vào điện thoại.
Và khác bất kỳ đợt nghỉ Tết nào, thời gian này còn là lúc sức ép kinh tế rất lớn với nhiều gia đình khi vợ hoặc chồng giãn việc, thậm chí mất việc, không có thu nhập, việc làm ăn đình đốn, nợ nần dồn cục. Nỗi lo lắng, sợ hãi dịch bệnh với dòng thông tin bủa vây hàng ngày, trong đó có những tin tiêu cực như số người mắc, người tử vong gia tăng khắp thế giới... cũng có thể tạo nên tâm trạng u ám.
Ở Trung Quốc đã có những thống kê cho thấy, số vụ ly hôn tăng vọt sau đại dịch, nhất là trong tháng Ba, cao hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Nghiên cứu ở Hồng Kông cũng cho biết rằng, dư chấn ly hôn vẫn tồn tại sau khi dịch SARS năm 2003 qua đi, và số vụ ly hôn năm 2004 vẫn tăng 20% so với 2002.
Nhiều nước đã tiên lượng được vấn đề xung đột gia đình trong đại dịch Covid-19 và đưa ra những khuyến cáo cụ thể. Bộ Phụ nữ Malaysia, hôm 31/3, công bố các áp phích trực tuyến khuyên chị em ăn mặc đẹp khi làm việc ở nhà, nếu cần nhờ chồng giúp đỡ việc nhà thì không mỉa mai, tránh cằn nhằn. Một thông điệp tưởng như tích cực, thì đã bị dư luận phê phán là chỉ chú ý đến hình thức, thúc đẩy sự gia trưởng của chồng, còn bỏ mặc thực tế là nguy cơ bạo lực gia đình tăng lên ở Malaysia do phải ở nhà. Cuối cùng các áp phích này đã bị rút bỏ.
Ở Australia, tổ chức Chữ thập Đỏ nước này lại đưa ra một bản hướng dẫn có tên “Giảm căng thẳng và xung đột gia đình trong dịch Covid-19”. Bản hướng dẫn gồm những lời khuyên rất hữu ích về việc dự đoán những cảm xúc có thể nảy sinh trong thời gian ở bên cạnh nhau cả ngày, cảnh giác những dấu hiệu căng thẳng giữa các thành viên và làm sao quản lý được những cảm xúc đó.
Mỗi nơi một cách làm khác nhau, song rõ ràng có thể thấy nguy cơ xung đột gia đình thời kỳ giãn cách xã hội là có thật. Chính những lúc này chúng ta lại cần sự yêu thương, bao dung nhiều hơn hết, giữa vợ chồng với nhau, giữa bố mẹ và con cái. Bởi vì, ngoài phòng chống dịch bệnh, chúng ta còn phải hồi phục sau những tổn thương về tâm lý, về kinh tế, mà nếu gia đình không vững chắc, sự hồi phục của xã hội sẽ càng khó khăn hơn.