Tại cuộc họp thông tin công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sáng 13/8, ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định việc virus có thể lây lan qua hệ thống thông gió chung cư.
Không loại trừ khả năng nhận định này xuất phát từ các suy luận khi chủng virus Delta có thể lây nhiễm qua không khí trong khi chung cư có hệ thống thông khí chung với nhau.
Lý giải về vấn đề đang gây hoang mang trong dư luận khi có nhiều người lan truyền cho rằng SARS-CoV-2 có thể lây lan qua không khí, từ đường thông gió, nhất là tại các chung cư, thông tin trên Báo Việt Nam Plus, Phó giáo sư Trần Đắc Phu-Cố vấn Cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, với việc thực hiện giãn cách, khả năng virus SARS-CoV-2 lây qua giọt bắn (dịch hầu họng, nước bọt của người mắc bệnh) là rất nhỏ, tuy nhiên, do virus biến thể mới có thể sống lơ lửng trong không khí một thời gian lâu hơn nên có khả năng phát tán gây lây lan mạnh trong môi trường kín sử dụng điều hòa như thang máy, phòng họp...
Về ý kiến virus lây qua hệ thống thông gió, Phó giáo sư Trần Đắc Phu cho rằng, nếu virus có lan qua các đường ống thông gió thẳng đứng thì khi ở ngoài trời, lượng không khí di chuyển rất nhiều sẽ khuếch tán vào không gian nên không đủ tải lượng virus để lây lan. Virus bị tiêu diệt một cách tự nhiên ở nhiệt độ cao, vì thế cần điều tra rõ ràng để đánh giá khách quan.
Trên thực tế, virus chỉ lây lan nếu như gió thông thẳng một không gian nào đó mà người khác lại đi vào. Chẳng hạn đường thông gió nhưng lại thông vào hành lang chung cư hay một khu vực kín, người khác vào đó hít phải. Virus có thể lây từ nhà nọ sang nhà kia theo đường không khí nhưng hiện nay đường thông khí ở các khu chung cư không thiết kế thông từ nhà nọ sang nhà kia nên virus không thể lây lan qua hệ thống này.
Phó giáo sư Phu cũng phân tích, trong trường hợp khi có một ca mắc Covid-19 trong tòa nhà, các con đường lây nhiễm khả thi có thể nghĩ tới là thông qua không gian chung như hành lang kín, thang máy hay gián tiếp tiếp xúc bằng các nút thang máy hoặc có sự tiếp xúc gần trong quá trình đi cùng thang máy, nói chuyện… do đó phải có sự điều tra dịch tễ kỹ càng.
Với SARS-CoV-2, phải có sự tiếp xúc giữa người với người. Virus lây lơ lửng trong không khí và trong giọt bắn rất nhỏ thổi từ buồng nọ sang buồng kia mà người khác hít phải không khí mới có thể lây bệnh.
Theo ông Phu, thường các thiết kế của các khu chung cư, hệ thống thông gió thẳng và chỉ hút khí từ các nhà và đường ống, sau đó đưa thẳng lên trời và hút lên, không khí từ nhà nọ không chuyển động vào nhà kia thì virus cũng không thể từ nhà nọ sang nhà kia, nên không thể lây lan qua đường thông gió. Tương tự, với cơ chế quạt của nhà vệ sinh là hút không khí ra ngoài.
Nếu quạt của các nhà vệ sinh lại thông với đường thông gió chính để hút không khí ở đường thông gió chính vào buồng vệ sinh (điểm giao lưu) thì cũng có nguy cơ lây bệnh và cần phải điều tra làm rõ.
Còn nếu hệ thống thông khí đó hút ra ngoài thì không thể khẳng định không khí ở đường thông gió chung có thể quay trở lại vào nhà vệ sinh.
Còn theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trên Báo Tiền Phong rằng, virus có thể bay vào các căn hộ liền kề hoặc đối diện nhau có chung không gian thông gió ở hành lang. Do đó, các cửa chính ra hành lang chung cư, cửa thông gió ở hành lang, cửa sổ có hướng quay ra hành lang hoặc nhìn thẳng sang căn hộ đối diện cần đóng chặt.
Biến chủng Lambda đã lan đến hơn 40 quốc gia, có khả năng kháng vắc xin Covid-19
Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 11/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, dịch Covid-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và làm gia tăng tử vong tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Đông Nam Á.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta.
Bên cạnh đó, biến chủng Lambda đã xuất hiện gần đây, đã lan rộng đến trên 40 quốc gia; cũng làm gia tăng tử vong và đặc biệt có khả năng kháng vaccine Covid-19.
Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường.
Đặc biệt, dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số ca mắc rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, khả năng tác động, bùng phát của dịch bệnh đã có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt như trong thời gian qua.