Virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến tim mạch?

Virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến tim mạch?

Để xâm chiếm một tế bào, SARS-CoV-2 bám vào một protein gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin 2, hoặc ACE2. Protein này được tìm thấy trên các tế bào trong phổi, cho phép virus xâm nhập những tế bào này và gây ra các triệu chứng hô hấp. Nhưng ACE2 cũng có trên các tế bào cơ tim và tế bào xếp thành mạch máu.

“Nhìn nhận về sự tác động của ACE2, Covid-19 có thể gây tổn hại trực tiếp đến tim”, các nhà nghiên cứu viết trong một bài đăng trên tạp chí Nature hồi đầu tháng 3. Theo các nghiên cứu ở Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi dịch bệnh khởi phát, một số người mắc Covid-19 đã gặp phải tình trạng nhồi máu cơ tim.

Một nhóm nghiên cứu khác cho hay, gần 20% trong số 420 bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhập viện ở Vũ Hán có dấu hiệu tổn thương tim. Theo các nhà khoa học, ACE2 không chỉ cung cấp điểm vào cho SARS-CoV-2.

Protein cũng là một phần của hệ thống hormone lớn, được gọi là hệ renin-agiotensin, điều chỉnh huyết áp và chức năng tim mạch, thận. Những loại thuốc nhằm vào các bộ phận khác của hệ thống này được kê đơn rộng rãi, giúp hạ huyết áp ở những người bị huyết áp cao và bệnh tim mạch.

Hai nhóm thuốc là thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II - đang được xem xét kỹ lưỡng về tác dụng sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Các chất ức chế men chuyển chặn các protein ACE, khác với các protein ACE2. Mục đích là để ngăn chặn ACE giúp tạo ra một loại protein gọi là angiotensin II, làm tăng huyết áp trong động mạch. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, hoặc ARB, ngăn chặn angiotensin II hoạt động.

Một số bằng chứng cho thấy, động vật sử dụng các loại thuốc này có thể có nhiều protein ACE2 trên các tế bào trong tim. Tuy nhiên, chưa có bất cứ nghiên cứu nào cho thấy hiện tượng tương tự ở người. Hiện tượng xảy ra ở động vật này đã khiến một số chuyên gia đặt ra câu hỏi về việc, liệu việc sử dụng thuốc ức chế men chuyển và ARB có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hay không?

Trước tình hình này, Đại học Tim mạch Mỹ, Hiệp hội Tim mạch Mỹ và Hiệp hội Suy tim Mỹ đang khuyến cáo những người bị tăng huyết áp, người mắc bệnh tim mạch hoặc suy tim nên tiếp tục dùng các loại thuốc này. Đối với những người nhiễm Covid-19, tình trạng của từng bệnh nhân cần được xem xét để xác định xem có cần thiết phải dừng thuốc hay không.

Bên cạnh khả năng SARS-CoV-2 nhắm vào tim người bệnh, các nhà nghiên cứu có bằng chứng cho thấy, phản ứng của cơ thể đối với các bệnh nhiễm trùng có thể khiến tim gặp nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiềm ẩn. Một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Y học New England vào năm 2018 cho thấy, người bị cúm có thể có nguy cơ đau tim cao hơn bình thường.

“Nhìn chung, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng làm tăng áp lực lên tim”, bác sĩ tim mạch Scott Solomon tại Bệnh viện Brigham and Women thuộc Trường Y Harvard ở Boston, cho biết.

Cũng theo ông Solomon, điều này cũng có nghĩa là trái tim của bệnh nhân sẽ cần nhiều oxy hơn. “Cúm và Covid-19 có thể can thiệp vào khả năng cung cấp oxy của phổi, nên có thể gây thêm áp lực cho tim”, ông Solomon nói thêm.

Theo Science News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ