Virus corona hoành hành: Nỗi sợ hãi “xâm chiếm” các trường đại học ở Mỹ

Virus corona hoành hành: Nỗi sợ hãi “xâm chiếm” các trường đại học ở Mỹ

Người học hoang mang

Tại Trường ĐH Wisconsin-Platteville, 2 sinh viên (SV) đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi xuất phát dịch viêm phổi do virus corona gây ra - đã được chuyển đến một phòng ký túc xá đặc biệt và thường xuyên phải kiểm tra nhiệt độ cơ thể.

Tại Trường ĐH bang Arizona (ASU), các SV đã đưa ra kiến nghị kêu gọi nhà trường tạm dừng các lớp học sau khi một trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona. Trong khi đó, Trường ĐH Miami cũng nhanh chóng yêu cầu tạm hoãn cuộc thi đấu bóng rổ, ngay khi 2 SV vừa trở về từ Trung Quốc có các triệu chứng mắc bệnh.

Báo động về virus corona được cho là đặc biệt nghiêm trọng tại các trường ĐH ở Mỹ - nơi thu hút SV từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm. “Căn bệnh này đã khiến tôi hoảng loạn”, Sarah Linck (22 tuổi) - HS lớp 11 tại bang Arizona nói. Cô nữ sinh này cho hay, cô bắt đầu cẩn thận hơn trong việc tự bảo vệ bản thân khỏi virus, ngay khi nghe tin ai đó có mối liên hệ với trường bị nhiễm bệnh.

Sau sự bùng phát của virus corona, số lượng người học được đưa vào trung tâm y tế của trường ASU đang tăng chóng mặt. Thậm chí, chỉ một tiếng ho của ai đó ở trong lớp cũng có thể nhận lại những cái nhìn lo lắng. Bên cạnh đó, những SV có kế hoạch đi du học phần lớn đều phải sắp xếp lại lịch trình.

Chia sẻ với truyền thông, nữ SV theo học ngành quản lý xây dựng tên Linck cho biết, do có hệ thống miễn dịch kém và từng bị viêm phổi nhiều lần, cô đặc biệt thận trọng với virus corona. “Tôi không biết liệu mình có nên lo lắng về căn bệnh này nhiều như vậy hay không, nhưng đó là điều duy nhất hiện lên trong đầu tôi và rất khó để không lo lắng”, Linck cho biết.

Carolyn Kleve (20 tuổi) - SV tại ASU chia sẻ, cô vô cùng sợ hãi khi có thể nhiễm virus và lây cho đứa con trong bụng cũng như một HS 5 tuổi mà Kleve đang là gia sư. “Chúng tôi bị mắc kẹt trong một căn phòng từ 20 - 30 người và tôi không biết ai bị mắc bệnh gì. Tôi đã tiếp xúc với loại virus mới hay chưa? Ai có thể biết được chứ!”, Kleve chia sẻ một cách lo lắng.

Tại Trường ĐH Wisconsin- Platteville, 6 SV vừa trở về từ Vũ Hán đã được yêu cầu tự cách ly tại phòng ký túc xá. Trong đó, 2 SV người Vũ Hán phải ở chung phòng với nhau. Bà Melissa Gormley - trưởng khoa các môn khai phóng Trường ĐH Wisconsin-Platteville cho hay, 2 SV trên hiện không có bất kỳ triệu chứng nào của virus corona; đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, những người này sẽ sớm được ở chung ký túc xá với các SV khác.

Cũng theo bà Gormley, mọi SV người Vũ Hán đều được chào đón tại trường. “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để chăm sóc sức khoẻ người học, cho dù họ đến từ Vũ Hán, họ từng đi du lịch tới Vũ Hán, hay họ là một SV khác”, nữ trưởng khoa nhấn mạnh.

Xuất hiện tâm lý kỳ thị

Trước bối cảnh này, nhiều SV chia sẻ, tình trạng xa lánh SV Trung Quốc tại các trường học đang trở nên phổ biến. Một số người học thậm chí đã đăng tải lên mạng xã hội về việc tránh né tất cả bạn học là người châu Á.

Aaron Li - SV người Trung Quốc đang học năm cuối tại Cornell cho biết đã thiết lập một mẫu đơn, giúp người học Trung Quốc có thể ẩn danh bày tỏ lo ngại hoặc đưa ra câu hỏi về virus corona. Li cho hay, một SV ẩn danh tiết lộ từng nói dối bạn bè rằng, anh đi nghỉ đông ở California. Sự thật là người này đã trở về nhà ở Trung Quốc. “Anh ta lo lắng về suy nghĩ của bạn bè”, Li nói.

Charles Bui (18 tuổi) - SV năm nhất của Trường ĐH Houston, cho biết đã chứng kiến sự nhẹ nhõm của mọi người, sau khi họ bước ra khỏi thang máy có anh. “Môi trường không còn mang lại cho tôi cảm giác giống như trước đây. Đây thực sự là về phân biệt chủng tộc hay tôi đang làm quá lên?”, cậu SV 18 tuổi bức xúc.

Mới đây, nhà lãnh đạo Trường ĐH California, Berkeley - nơi có số lượng lớn SV Trung Quốc, đã đưa ra lời xin lỗi sau hành động của các nhân viên y tế trong trường. Trước đó, những người này đã đăng tải danh sách về các phản ứng phổ biến đối với virus corona. Hành động này đã nhận về nhiều chỉ trích và được cho là dấu hiệu của nạn phân biệt chủng tộc.

Nhiều chuyên gia nhận định, các quan chức y tế trong trường đang phải đối mặt với 2 thách thức: Thông báo cho công chúng về virus trong khi kiểm soát nỗi sợ hãi thái quá và chữa trị những trường hợp nhiễm virus cúm thông thường.

Tiến sĩ Stacie San Miguel - Giám đốc Dịch vụ Y tế tại Trường ĐH California cho biết, SV đã đổ xô đi kiểm tra sức khoẻ. Tới nay, chưa có trường hợp nào tại ngôi trường này được xác nhận dương tính với virus corona. Tuy nhiên mới đây, tại một hội nghị về quan hệ Mỹ - Trung do trường tổ chức, các nhà lãnh đạo đã đưa ra một tiêu chuẩn mới cho các cuộc gặp gỡ: Không bắt tay.

Các nhà quản lý giáo dục tại Mỹ đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch ngăn chặn sự lây lan của virus corona trong khuôn viên trường; đồng thời, kêu gọi người học và nhân viên không du lịch tới Trung Quốc. Mới đây, Trường ĐH Boston đã hoãn chương trình du học dự kiến diễn ra tại Thượng Hải vào đầu vào tháng này.
Hàng trăm SV tại Mỹ đang phải trải qua quá trình xét nghiệm virus corona, bao gồm những người từng tới Vũ Hán hoặc người có các triệu chứng tương tự bệnh nhân nhiễm virus này. Không ít trường hợp SV tại một số trường như Baylor, Wesleyan và Tennessee Tech đều cho ra kết quả âm tính với virus corona, nhưng điều đó vẫn không ngăn được sự lo lắng của mọi người.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ