GS Ngô Bảo Châu (thứ tư, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng thống Ấn Độ (thứ sáu, từ trái sang) cùng các thành viên nhận giải Fields 2010 |
"Tôi vui sướng và tự hào!"
PV: Thưa Phó Thủ tướng (PTT), là người quan tâm đến lĩnh vực khoa học và bản thân cũng từng là người làm khoa học, PTT đón nhận sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận được giải thưởng Toán học Fields với tâm trạng như thế nào?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. ảnh gdtd.vn |
PTT Nguyễn Thiện Nhân: Cách đây khoảng 1 tháng, chúng ta đã biết thông tin Hội nghị Toán học thế giới sẽ trao giải thường Fields và giáo sư Ngô Bảo Châu là 1 trong 4 ứng cử viên của việc xét giải thưởng cao quý này. Hôm nay (19/8/2010), khi nghe tin GS Châu đã được trao giải chính thức, chúng tôi rất vui mừng và tự hào. Vậy là đất nước Việt Nam đã có một người đạt được trình độ Toán học của thế giới.
Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ hai trong khu vực châu Á đạt được giải thưởng uy tín này. Điều đó góp phần tạo nên niềm tự hào của giới khoa học Việt Nam, tự hào về đất nước và con người Việt Nam.
Cơ hội gõ cửa Toán học Việt Nam
PV: Thưa Phó Thủ tướng, sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận được giải thưởng Fields sẽ mở ra những cơ hội gì cho Toán học Việt Nam?
PTT Nguyễn Thiện Nhân: Từ trước đến nay, Toán học bậc phổ thông của Việt Nam luôn có truyền thống đạt giải cao, được đánh giá là nằm trong top thứ 5, thứ 10 thế giới. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, vào năm 2007, sau kỳ thi Toán học quốc tế bậc phổ thông, chúng ta đạt giải 3 - mức cao nhất từ trước đến nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Chính phủ có cuộc gặp gỡ và trao đổi với các nhà toán học hàng đầu của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, bày tỏ mong muốn các nhà khoa học đưa ra đánh giá về trình độ Toán học chung của đất nước. Và kết quả cho thấy mức xếp hạng của Toán học Việt Nam hoàn toàn không cao như ta vẫn tưởng. Con số đưa ra là ta đứng ở bậc 60 trên thế giới.
Nhìn lại mình, ta thấy rằng dân số Việt Nam đứng hàng thứ 12, nhưng trình độ Toán học chung thì đứng hàng thứ 60. Và có những dấu hiệu để thấy rằng nếu không có chuyển biến lớn trong chính sách về Toán học thì chúng ta khó có sự phát triển bền vững về Toán học quốc gia. Theo đó, chúng tôi đã quyết định xây dựng một chương trình phát triển Toán học quốc gia trong 10 năm tới.
Trong quá trình xây dựng chương trình, có một giải pháp được cho là khả thi là xây dựng một Viện Toán cao cấp của Việt Nam. Mô hình của Viện Toán học này không theo lối truyền thống. Chúng tôi sẽ mời những nhà Toán học hàng đầu của quốc tế hoặc là nhà Toán học Việt Nam nhưng đạt trình độ quốc tế về đứng đầu Viện Toán học. Từ đó sẽ tập hợp các nhà khoa học ở nước ngoài giúp các nhà khoa học Toán học trong nước có điều kiện nâng cao, giao lưu về trình độ.
Đến nay, nếu không có sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt được giải Fields - chứng tỏ trình độ Toán học hàng đầu thế giới - thì chúng ta cũng có thể gặp khó khăn khi tìm một người đứng đầu Viện Toán học. Thậm chí còn tính đến khả năng phải tìm người nước ngoài về đứng đầu Viện. Nhưng lần này chúng ta khẳng định rằng GS Ngô Bảo Châu hoàn toàn có triển vọng và đủ năng lực đứng đầu Viện Toán học mà chúng ta dự kiến sẽ thành lập.
Chương trình phát triển Toán học quốc gia giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030
PV: Việt Nam được các nhà khoa học, các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng khoa học cơ bản, trong đó có Toán học. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần thay đổi như thế nào về tư duy lẫn cơ chế để đánh thức được những tiềm năng Toán học cơ bản?
PTT Nguyễn Thiện Nhân: Thực ra chúng ta có nhiều nhà khoa học về Toán, về Vật lý, Hóa học, Sinh học được đánh giá cao ở các cộng đồng khoa học quốc tế. Tuy nhiên, ở tầm đỉnh cao thế giới thì đến nay mới chỉ có GS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam duy nhất đạt được đẳng cấp này - thông qua giải thưởng khách quan Fields. Và nhấn mạnh lại là để phát triển Toán học trong thời gian tới, ta không thể tiếp tục cách làm như vừa qua.
Phải có một chiến lược quốc gia về Toán học, trong đó là phát triển tiềm năng Toán học bậc phổ thông, nâng cao trình độ Toán học ở các trường cao đẳng, khuyến khích nghiên cứu Toán học, đồng thời tạo cơ hội để bồi dưỡng và hình thành những nhà Toán học có trình độ quốc tế. Nên chăng làm theo mô hình này, qua con đường của Ngô Bảo Châu: Học sinh giỏi Toán trường chuyên của Việt Nam, được đào tạo Toán ở cơ sở tốt nhất của nước ngoài đạt trình độ quốc tế, về quê hương cùng phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam, tiếp tục phát triển đội ngũ trong nước.
Tôi cho rằng phương thức này có nhiều triển vọng. Hiện nay sau 3 năm xây dựng chương trình phát triển ngành Toán học, Chính phủ đã ký chương trình trọng điểm quốc gia về Toán học 10 năm, đồng thời cũng đang xây dựng chương trình phát triển Vật lý.
PV: Được biết Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển Toán học quốc gia giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030, xin Phó Thủ tướng cho biết những mục tiêu cơ bản cũng như cách thức thực hiện những mục tiêu này?
PTT Nguyễn Thiện Nhân: Chương trình này được xây dựng trong gần 3 năm với sự tham gia của các nhà khoa học Toán học trong nước cũng như tham khảo ý kiến của các nhà Toán học nước ngoài. Mục tiêu của chương trình là làm cho việc phát triển Toán học của chúng ta nâng được vị trí tương quan với thế giới một cách bền vững.
Hiện nay chúng ta đánh giá xếp hạng khoảng thứ 60 trên thế giới. Sau 2,5 năm nghiên cứu, mục tiêu đến năm 2020 đứng vào khoảng thứ 40 trên thế giới. Như vậy đội ngũ khoa học về Toán sẽ tăng lên, và năm 2020 so với năm 2010, phấn đấu số các bài báo công bố ở các tạp chí quốc tế tăng gấp đôi. Ngoài ra, khoảng 70% các GV dạy Toán ở các trường ĐH trọng điểm có trình độ tiến sĩ. Chúng ta sẽ có Viện Toán học Việt Nam và 1 hoặc 2 trường đại học khác có trình độ mạnh về Toán học ở khu vực.
Trong quá trình nghiên cứu về Chiến lược Toán học, chúng ta cũng quan tâm đến điều kiện làm sao các nhà khoa học có thể sống và cống hiến tốt hơn nữa. Cái này gắn một số cơ chế.
Thứ nhất, hiện nay chúng ta đã triển khai kinh phí nghiên cứu khoa học cấp theo đăng ký của các nhà khoa học khi ứng dụng vào thực tiễn, có thể nói là bằng hình thức đấu thầu. Vậy những nhà khoa học có năng lực, có điều kiện làm đề tài có thể có kinh phí lớn.
Thứ hai, chúng ta đang hình thành thị trường khoa học công nghệ để qua đó khuyến khích các sản phẩm chuyển giao và có ích cho nhà khoa học.
Thứ ba, Chính phủ đang chuẩn bị, trong tháng 8 phê duyệt chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia về khoa học. Như vậy, đây là những nỗ lực giữa liên kết nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, tạo ra sản phẩm có ý nghĩa quốc gia quy mô lớn, hiệu quả cao góp phần tạo năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế với giá trị gia tăng cao hơn.
Cuối cùng, bên cạnh những chương trình nghiên cứu ứng dụng sẽ dành một phần ngân sách để nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện cho các thầy nghiên cứu tốt hơn.
* Xin cảm ơn Phó Thủ tướng về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Diệu Ngọc (ghi)