Vĩnh Phúc: Trường ngoài công lập loay hoay gỡ khó tuyển sinh vào lớp 10

GD&TĐ - Sau Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, tỉnh Vĩnh Phúc có gần 4 nghìn thí sinh phải theo học tại các trường ngoài công lập, học nghề hoặc các loại hình khác.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Liên Bảo (TP. Vĩnh Yên)
Giáo viên và học sinh Trường THPT Liên Bảo (TP. Vĩnh Yên)

Tuy nhiên, việc tuyển sinh của các trường THPT ngoài công lập, các Trung tâm GDNN-GDTX hiện đang gặp nhiều khó khăn do đặc thù và thói quen của học sinh từng địa phương.

Khó tuyển, chất lượng chưa đồng đều

Trường THPT Liên Bảo tiền thân là Trường THPT Dân lập Vĩnh Yên được thành lập từ năm 1996. Hiện, đây là trường THPT ngoài công lập duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Trường đặt ở trung tâm của thành phố Vĩnh Yên, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, đông dân cư. Tuy nhiên, học sinh đăng ký vào trường trong các năm qua chủ yếu là những em không đỗ vào các trường công lập. Do đó, chất lượng học sinh vào trường không đồng đều, số lượng tuyển vào chưa ổn định qua các năm nên việc xếp lớp gặp khó khăn.

Ngoài ra, thành phần cư dân ở đây không đồng đều và ổn định, việc tăng giảm dân số cơ học diễn ra thường xuyên. Việc thay đổi chỗ làm, chỗ ở của công nhân trong các KCN dẫn đến chọn nơi học cho con em có nhiều biến động.

Một giờ học tại Trường THPT Liên Bảo. Ảnh tư liệu
Một giờ học tại Trường THPT Liên Bảo. Ảnh tư liệu

Công tác tuyển sinh của Trường THPT Liên Bảo trong nhiều năm qua chủ yếu là công tác truyền miệng. Theo đó, giáo viên được nhà trường cử xuống trường THCS, tham gia vào các tiết sinh hoạt của khối lớp 9 để giới thiệu về nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn có đội ngũ cộng tác viên là các giáo viên đang giảng dạy tại các trường THPT, THCS trong địa bàn huyên tham gia giới thiệu về trường đến các phụ huynh.

Cũng như Trường THPT Liên Bảo, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo đặt trên địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh vào lớp 10 còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo cho biết, Trung tâm tuyển sinh qua nhiều kênh, chủ yếu qua hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm các trường THCS. Đồng thời tiếp cận phụ huynh và học sinh tại nhà, nhất là học sinh có học lực trung bình trở xuống. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với trung tâm văn hóa để phát thông báo tuyển sinh qua hệ thống loa truyền thanh.

Học sinh thuộc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo. Ảnh tư liệu
Học sinh thuộc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo. Ảnh tư liệu

“Việc tuyển sinh hằng năm vào trường có tăng, tuy nhiên, không đồng đều. Một số cháu sau khi học hết lớp 9 thì không đăng ký thi vào lớp 10 THPT mà đi học nghề ngay. Một số học sinh tham gia học tại trung tâm nhưng bỏ giữa chừng. Thứ hai, trên địa bàn huyện, có nhiều học sinh đi lại xa, ví dụ như khu vực xã Đạo Trù, Yên Dương, có những học sinh đạp xe 7-8km đến điểm xe bus sau đó mới bắt xe về Trung tâm học. Do đó, phải là những học sinh có ý chí mới đăng ký tham gia học tại Trung tâm.

Cùng với đó, sự quan tâm của phụ huynh học sinh còn thấp. Bố mẹ các em mải đi làm ăn xa nên thường gửi con cái ở nhà cho ông bà trông hộ nên thiếu đi sự đôn đốc, nhắc nhở. Hơn nữa, mặt bằng chung về học tập của huyện Tam Đảo thuộc diện thấp nhất tỉnh do đó đầu vào Trung tâm thấp dẫn đến công tác giảng dạy còn nhiều khó khăn, vất vả”- Ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ thêm.

Thay đổi để thích nghi

Năm 2021-2022, Trung tâm GDNN-GDTX  huyện Tam Đảo dự kiến tuyển sinh 7 lớp 10 hệ vừa học văn hóa vừa học nghề với 300 học sinh. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiếp cận với học sinh các nhà trường rất khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận với giáo viên, học sinh và phụ huynh từ sau đợt dịch 30/4. Trước thực tế này, Trung tâm phải chuyển hình thức tuyên truyền tuyển sinh qua Zalo, Facebook và đặc biệt là tăng cường truyền thanh ở cơ sở.

Cô và trò Trường THPT Liên Bảo trong một giờ học. Ảnh tư liệu
Cô và trò Trường THPT Liên Bảo trong một giờ học. Ảnh tư liệu

Để đảm bảo công tác tuyển sinh đầu vào, năm nay, Trường THPT Liên Bảo đã thành lập trụ sở văn phòng chuyên trách mảng tuyển sinh, tuyển các chuyên viên có kinh nghiệm để triển khai công tác tuyển sinh từ giữa năm học. Phương thức tuyển sinh được thực hiện bằng chạy quảng cáo fanpage, trực 24/24 để tư vấn, treo bằng zôn có logo trường tại các điểm trường phổ thông nhằm nhận diện, quảng bá hình ảnh…

Trong các đợt cao điểm tuyển sinh, Nhà trường tiến hành đặt bàn tư vấn tại các địa điểm trường, giáo viên và học sinh của trường cùng tham gia tuyển sinh. Ngoài ra, năm học 2021-2022, nhà trường có nhiều chính sách thu hút học sinh như: Trao học bổng cho những học sinh có điểm xét tuyển cao, những học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn, có hỗ trợ vé xe buýt cho những học sinh ở xa,…

Về định hướng lâu dài và sẵn sàng “cạnh tranh sòng phẳng” với các trường THPT công lập, Trường THPT Liên Bảo đang tập trung đầu tư ở hai phương diện: nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên và nâng cấp cơ sở vật chất. Về chuyên môn, nhà trường mời đội ngũ chuyên gia có uy tín về đào tạo phương pháp giảng dạy cho giáo viên, mời các giáo viên nhiều kinh nghiệm từ các trường Chuyên tham gia giảng dạy. Bộ máy lãnh đạo Trường (Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu) đều có sự thay đổi về nhân sự và đổi mới phong cách quản lý.

Xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chất lượng sẽ giúp trường ngoài công lập cạnh tranh sòng phẳng với các trường THPT công lập trong tuyển sinh
Xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chất lượng sẽ giúp trường ngoài công lập cạnh tranh sòng phẳng với các trường THPT công lập trong tuyển sinh

Với định hướng phát triển toàn diện cho học sinh, năm học tới, Trường THPT Liên Bảo sẽ bổ sung các bộ môn như kĩ năng sống, nghệ thuật (âm nhạc, hội họa), thể chất (môn bóng đá, bóng rổ…). Đặc biệt là trung tâm STEM đã hoàn thành việc lắp ráp để vào năm học mới học sinh được tham gia trải nghiệm về khoa học và công nghệ nhằm phát huy sở trường, khả năng sáng tạo và phục vụ công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT. Qua đó, sẽ dần xây dựng uy tín và tạo thuận lợi trong tuyển sinh vào nhà trường ở những năm học tiếp theo.

Còn với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện Trung tâm đang liên kết với các trường cao đẳng nghề để tổ chức dạy nghề cho học sinh. Khi chính sách hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc (hỗ trợ 9 triệu/khóa học đối với học sinh học nghề, ra trường có việc làm với hợp đồng lao động 1 năm, được đóng bảo hiểm) sẽ tạo động lực hơn cho học sinh, khi đó, việc tuyển sinh sẽ dễ dàng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.