Dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn

Dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn

(GD&TĐ) - Thực trạng chung ở các tất cả các vùng nông thôn của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cho thấy, vấn đề quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất với bước đi đầu tiên là tiến hành dồn điền, đổi thửa để qui hoạch lại đồng ruộng, từng bước nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, từng bước đẩy mạnh phát triển nền sản xuất kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững.

Đây là giải pháp có tính chất quyết định, nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế, đồng thời mở đường, tạo ra động lực thúc đẩy tiến trình nông thôn mới ở các vùng nông thôn. Nhiệm vụ dồn điền, đổi thửa trong nông nghiệp được tập trung hàng đầu song song với việc triển khai giải pháp khác để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đối với Sóc Sơn, một huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, từ chương trình này đã khơi dậy được phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân.

Được khởi động từ năm 2009 và triển khai thực hiện năm 2010. Đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có một số tiêu chí cơ bản đạt, đó là các tiêu chí về giao thông nông thôn, hệ thống điện, an ninh trật tự, bưu điện văn hóa và hệ thống chính trị.

j
Buổi ra quân làm đường giao thông thủy lợi nội đồng của xã Đức Hòa phục vụ cho công tác dồn điền đổi thửa đã huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia

Theo ông Nguyễn Văn Phong – Thành ủy viên, bí thư huyện ủy Sóc Sơn: “Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đề ra giải pháp, chính sách lộ trình cụ thể. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đưa hệ thống chính trị vào cuộc động bộ, cùng với nhân dân huy động các nguồn lực xã hội thực hiện”.

Xã Mai Đình là địa phương được chọn làm điểm của Thành phố và huyện về triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Theo ông Lê Đăng Minh – Chủ tịch UBND xã: “Đến nay đã có 13/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt (90 - 100%). Đó là các tiêu chí: Thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự. Xã có 3/19 tiêu chí đạt mức khá (khoảng trên 80% so với yêu cầu) là các tiêu chí: giao thông, qui hoạch, trường học; 3/19 tiêu chí đạt mức thấp là chợ nông thôn, cơ cấu lao động và văn hóa”.

Được biết, sau Mai Đình, toàn huyện đã có 10 xã triển khai đồng bộ chương trình trong giai đoạn 1; 14 xã triển khai giai đoạn 2, phấn đấu đến năm 2015 có 100% xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên trong tổng số 19 tiêu chí chuẩn quốc gia về nông thôn mới, trong đó có 10 xã đạt tất cả các tiêu chí.

Đối với xã Tân Hưng, Minh Trí được chọn làm điểm về dồn điền, đổi thửa để rút kinh nghiệm cho việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện. Từ chỗ ruộng đất phân tán (có nơi như thôn Ngô Đạo - Tân hưng với mức bình quân 28 thửa ruộng/hộ) nay đã tập trung lại, bình quân còn từ 1-3 thửa/hộ. Diện tích thửa rộng nhất ở Tân Hưng lên tới 15.000 m2, tức 1,5 ha.   

Nông dân Lương Như Điểm xã Tân Hưng và Nguyễn Thị Lý xã Minh Trí bộc bạch: “Chúng tôi rất vui vì ruộng đồng đã được qui hoạch lại. Điều này rất thuận lợi cho việc bố trí lại các vùng sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng, phù hợp với địa bàn dân cư. Giao thông, thủy lợi đảm bảo cho việc tưới tiêu, đi lại thuận tiện, giảm được chi phí sức lao động và chi phí vật tư đầu vào sản xuất. Điều quan trọng là chúng tôi cảm thấy yên tâm đầu tư cho sản xuất và từng bước đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng”.

Qua việc thực hiện ở các địa phương cho thấy, khi ý Đảng hợp với lòng dân thì không có khó khăn nào không thể giải quyết. Thực tế đã cho thấy nhiều cách làm hay, thể hiện tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm cộng đồng cao ở các địa phương. Xã Mai Đình là một trong những địa phương làm tốt công tác này. Hưởng ứng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, dù biết mổi mét vuông đất ở đây có giá trị cao hơn nhiều so với đa số các địa phương khác trong huyện, nhân dân trong xã đã tự nguyện tháo dỡ công trình, lùi tường rào về phần đất của mình, dành tổng số trên 4.000 m2 để xây dựng đường giao thông. Việc làm này không chỉ mang lại những con đường đẹp, đủ tiêu chuẩn nông thôn mới mà còn thể hiện nét văn hóa cộng đồng trong dân cư.

Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tiến bộ, hiệu quả, nhân dân Mai Đình đã ủng hộ chính quyền triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên diện tích 100 ha lúa gieo sạ đã cho kết quả tốt. Đầu tư kinh phí và sức lao động của nông dân giảm đáng kể, năng suất và sản lượng lúa tăng và quan trọng hơn là đã hình thành mô hình liên kết dịch vụ trong nông nghiệp để từng bước hiện đại hóa từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. 

Nhiều xã trong huyện như Bắc Sơn, Nam Sơn, Tân Hưng, Đức Hòa… đã chủ động dành quĩ đất dôi ra sau tiến hành dồn điền đổi thửa để vừa thực hiện qui hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, vừa qui hoạch lại một số tuyến đường giao thông nông thôn phù hợp với tiêu chuẩn đường nông thôn mới. Những con đường này vừa đóng vai trò là đường giao thông nội đồng, vừa đóng vai trò là đường dân sinh, phù hợp với định hướng qui hoạch và đáp ứng nhu cầu thực tế ở các địa phương.

Nhiều địa phương đã tổ chức, quy hoạch lại đường giao thông nội đồng và cũng là đường giao thông nội đồng
Nhiều địa phương của huyện Sóc Sơn đã tổ chức, quy hoạch lại đường giao thông nội đồng và cũng là đường dân sinh từ chương trình dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới

Để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2012, bên cạnh việc tập trung qui hoạch hạ tầng, chia ruộng cho dân, nhiều xã đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ và tìm hướng đi mới cho sản xuất. Các xã Đức Hòa, Xuân Giang, Tân Dân đã trích ngân sách hỗ trợ nông dân cày ải diện tích đã dồn điền, đổi thửa. Xã Tân Hưng và xã Hồng Kỳ đã mạnh dạn đăng ký mỗi đơn vị triển khai thử nghiệm gieo trồng 150 ha lúa chất lượng cao theo mô hình vùng sản xuất lúa hàng hóa. Bà con nông dân thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú đã vận động nhau đóng góp từ 400.000 đến 600.000 đồng/nhân khẩu để thuê phương tiện san lấp 80 ha diện tích đã lấy đất làm giao thông, thủy lợi nội đồng.

Nhiều xã trong huyện như Tân Hưng, Minh Trí, Bắc Sơn, Bắc Phú… từ chỗ xác định làm điểm ở thôn để lấy kinh nghiệm nhưng được sự cổ vũ, động viên bởi sức mạnh của phong trào quần chúng, đã quyết tâm hoàn thành sớm công tác dồn điền, đổi thửa so với kế hoạch ban đầu. Đến nay toàn huyện có 24/25 xã thực hiện dồn điền, đổi thửa, trong đó có 38 thôn của 20 xã thực hiện giao thông, thủy lợi nội đồng để chia ruộng cho dân với diện tích trên 3.700 ha, khối lượng đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng gần 2,2 triệu m3 đất, lắp đặt 26.000 cống đõ phục vụ tưới tiêu. Diện tích đất chênh lệch với sổ sách, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp được đưa vào quản lý để bổ sung cho quĩ đất giao thông, thủy lợi, giãn dân và phục vụ các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngô Đại Ngọc – Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nhấn mạnh: “Qua hoạt động thực tiễn tổ chức xây dựng nông thôn mới đã phát huy vai trò, trách nhiệm của chi bộ Đảng, của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn và sự tiền phong, gương mẫu của đảng viên chi bộ nông thôn, những người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thực hiện phong trào ở cơ sở. Đồng thời khơi dậy phong trào cách mạng quần chúng nhân và  xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư”.

Dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn ảnh 3
 
j
Dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn đã khơi dậy phong trào cách mạng quần chúng

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là mơ ước của nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội mà là niềm mong mỏi của nhân dân cả nước. Một nông thôn mới từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với qui hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu chúng ta cần phấn đấu trong những năm tới.

Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới đòi hỏi ở mỗi việc làm cụ thể, mỗi bước đi phải có sự tập trung và vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của nhân dân và sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, lực lượng xã hội khác. Trong đó nhân dân là chủ thể, là người thực hiện và cũng là người hưởng thành quả của chương trình.

Xây dựng nông thôn mới Sóc Sơn là chặng đường dài với nhiều khó khăn phía trước. Những việc đã và đang thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện hôm nay là bước khởi đầu quan trọng, mở đường để đi tới thành công./.

Quốc Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ