(GD&TĐ) - Sau khi kiểm tra hồ sơ phổ cập của 3 huyện thị, thành phố và khảo sát thực tế tại 6 đơn vị, 12 trường MN, ngày 17/8, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Phó vụ trưởng Vụ GDMN Ngô Thị Hợp làm trưởng đoàn đã có buổi tổng kết đánh giá và công nhận PCGDMN trẻ 5 tuổi ở Vĩnh Phúc. Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Thị Tuyến, lãnh đạo Sở GD-ĐT và các Sở, ban ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các Phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường MN cùng tham gia buổi làm việc trên.
Đại diện Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký kết biên bản công nhận đạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi. |
Theo quy định của Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT, điều kiện phổ cập bao gồm cơ sở vật chất, giáo viên và trẻ em. Với tiêu chí cơ sở vật chất, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 586 phòng học dành cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 1 phòng/lớp, trong đó có 400 phòng kiên cố, 186 phòng bán kiên cố. Những phòng học trên đều đảm bảo diện tích xây dựng và các quy định khác về phòng học theo Điều lệ trường MN. Theo GĐ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân, từ năm 2010, tỉnh đã trang bị 586 bộ đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Các trường MN trong tỉnh đã triển khai cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi được làm quen với máy tính, trang bị cho các lớp 5 tuổi tối thiểu mỗi lớp có 1 máy tính trở lên và cá phần mềm vui học để tổ chức cho trẻ làm quen với kiến thức của các môn học thông qua trò chơi. Với tiêu chuẩn về đội ngũ GV, toàn tỉnh có 3.199 GV, trong đó có 98% GV đạt chuẩn và 49,1% GV có trình độ trên chuẩn. Riêng với GV dạy lớp MN 5 tuổi, 100% đạt chuẩn và 69,3% GV trên chuẩn. GĐ Hoàng Minh Quân khẳng định, ngành GDMN luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh ủy, HĐND, UBND nên có nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy GDMN phát triển. Bên cạnh đó, nhận thức của các bậc phụ huynh và cộng đồng về GDMN ngày càng nâng cao, đặc biệt từ năm 2007 tỉnh có chính sách miễn học phí cho trẻ mẫu giáo là con nông dân nên tỷ lệ trẻ ở các độ tuổi ra lớp đạt tỷ lệ cao, ổn định. Từ năm 2010, 100% trường MN bán công của tỉnh đã chuyển sang công lập từ năm 2010. Tháng 1/ 2011, Sở GD-ĐT và Nội vụ tổ chức xét duyệt, làm chế độ cho 2.691 GV MN hợp đồng được hưởng lương, đóng bảo hiểm theo trình độ đào tạo, được hưởng phụ cấp đứng lớp, tăng lương. Để đáp ứng nhu cầu ra lớp của trẻ, Sở tuyển thêm 508 GV và 233 nhân viên y tế, kế toán cho các trường MN.Đây là những tiền đề giúp cho việc thực hiện công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi đạt kết quả tốt. Cụ thể, toàn tỉnh có 24.076 trẻ nhà trẻ ra lớp, đạt tỷ lệ huy động 50%, có 1.717 lớp mẫu giáo với 55.157 cháu đạt 98,5%. Riêng với trẻ 5 tuổi, có 17.714/17/730 trẻ ra lớp (đạt tỷ lệ 99,9%). 100% trẻ MN 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN mới. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn 5,7% và 6,5% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi…
Vĩnh Phúc có nhiều chính sách đột phá cho trẻ MN 5 tuổi |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó vụ trưởng Vụ GDMN Ngô Thị Hợp ghi nhận sự vào cuộc của chính quyền, ban ngành, đội ngũ GV và nhân dân Vĩnh Phúc trong việc thực hiện đề án PCGDMN trẻ 5 tuổi. Theo Phó vụ trưởng Ngô Thị Hợp, Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách đột phá đểthực hiện phổ cập: Toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo dành quỹ đất để mở rộng diện tích các trường MN, đảm bảo diện tích 20m2/HS vào năm 2015. Tỷ lệ trường MN đạt chuẩn cao, đủ đồ dùng đồ chơi tối thiểu cho lớp 5 tuổi. Về đội ngũ, tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn cao, đảm bảo định biên 2GV/lớp. GV được hợp đồng làm việc, được hưởng lương theo trình độ đào tạo, tăng lương định kỳ. Bố trí đủ nhân viên y tế, kế toán cho trường. 100% trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi đi học cao. Trẻ em nông thôn được hưởng chính sách miễn học phí, trẻ em nghèo được hưởng chế độ theo quy định. Đội ngũ làm công tác phổ cập nắm chắc số liệu; Hệ thống hồ sơ sổ sách đầy đủ… Tuy nhiên, Phó vụ trưởng Vụ GDMN Ngô Thị Hợp cũng lưu ý Vĩnh Phúc cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi để duy trì thành quả phổ cập, tiến tới nâng cao chất lượng GDMN, phổ cập độ tuổi 3-4. Phó vụ trưởng Ngô Thị Hợp cho biết: Qua kiểm tra, một số trường MN miền núi có công trình vệ sinh chưa hợp lý (chật, khép kín nên GV khó quan sát, bồn cầu cao không phù hợp với trẻ). Nhiều trường MN bê tông hóa nhiều, thiếu bóng mát, chưa thân thiện với trẻ MN. Với đội ngũ, một số GVMN làm việc theo chế độ hợp đồng với mức thù lao thấp (1050.000đ/tháng), không được đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ MN ở một số phòng GV còn ít (1 người) trong khi khối lượng công việc nhiều gây khó khăn cho việc duy trì chất lượng phổ cập ở cơ sở…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Dương Thị Tuyến đồng tình và tiếp thu với đánh giá của đoàn công tác về những ưu điểm và hạn chế trong quá trình thực hiện PCGDMN trẻ 5 tuổi của tỉnh. Phó chủ tịch Dương Thị Tuyến cũng cam kết sẽ tập trung chỉ đạo để tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất theo chuẩn, đào tạo để GV- nhân viên trong trường MN đạt chuẩn về trình độ, kỹ năng để hướng tới mục tiêu ổn định PCGDMN trẻ 5 tuổi, nâng cao chất lượng GDMN nói chung và tiến đến phổ cập cho trẻ 3-4 tuổi.
L.Giang