Điều đáng nói, tình trạng “đạn lạc” này không phải mới xảy ra lần đầu tiên ở Vĩnh Phúc.
Báo Giáo dục & Thời đại nhận được đơn kêu cứu của bà Cao Thị Phương ở thôn Hữu Thủ, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đơn có đoạn viết: “Gia đình tôi có diện tích đất liền kề với bãi bắn nhỏ của Trường Sĩ quan Tăng - Thiếp giáp (còn gọi là Trường 600).
Bãi bắn này là nơi các học viên của Trường 600 tập bắn đạn thật đã nhiều năm nay. Do thao tác bất cẩn nên đã nhiều lần đạn bắn xuyên qua tường vào khu vực nhà ở, mái tôn thì dày đặc lỗ thủng. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị nhưng nhà trường không cho ai đến giải quyết.
Cường độ bắn vào gia đình tôi ngày càng nhiều. Có lần cảm giác viên đạn bắn sượt gần qua đầu khi tôi đang lao động tại khu vực gần nhà. Tính mạng của mọi thành viên trong gia đình tôi luôn bị đe dọa bất cứ lúc nào”.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vinh (chồng bà Phương) nói: “Mỗi khi Trường 600 tổ chức bắn đạn thật thì ông và người thân trong gia đình phải tìm cách ẩn nấp vì sợ đạn lạc có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng”.
Dẫn phóng viên đi thực tế xung quanh khu đất, chỉ vào phần mái tôn thủng lỗ chỗ, ông Vinh nói: “Đây là dấu tích của những đường đạn để lại. Những vết thủng to, gọn, chứng tỏ lực đi của những viên đạn này rất lớn, nếu những đường đạn này đi thấp, chẳng may trúng vào người thì cực kỳ nguy hiểm…”.
Cho rằng tính mạng bị đe dọa, gia đình ông bà Vinh, Phương đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng. Nhưng đến nay mới chỉ có đại diện Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh cử người vào hỏi thăm, nắm bắt tình hình mà chưa có phương án giải quyết triệt để. Còn Trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp thì đến nay chưa thấy có ai đến để làm việc.
Để làm rõ thêm thông tin về thao trường tập bắn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, phóng viên Báo GD&TĐ đã liên hệ với Trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ xin ý kiến, đại diện nhà trường chỉ cho biết, nhà trường trực thuộc Binh chủng Tăng thiết giáp - Bộ Quốc phòng nên khi chưa có ý kiến của Binh chủng thì nhà trường chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.
Về phía chính quyền địa phương, sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình ông bà Vinh, Phương, đại diện UBND xã và Công an xã đã xuống hiện trường lập biên bản, đo vẽ khu vực bị ảnh hưởng do đạn bắn thủng và có ý kiến đến Trường 600 để có giải pháp khắc phục.
Điều đáng nói, tình trạng đạn lạc đã từng xảy ra tại Vĩnh Phúc khiến người dân lo lắng. Cụ thể, ngày 14/6/2017, cháu Nguyễn Hải Phong (3 tuổi) đang ở trong lớp học tại Trường Mầm non tư thục Họa Mi (huyện Bình Xuyên). Cháu bị đầu đạn rơi xuyên thủng mái tôn và găm vào phần má phía dưới thái dương.
Lần lượt trong các ngày 10, 30/8/2017, Công an huyện Bình Xuyên nhận được tin báo về việc bị đầu đạn rơi vào nhà của chị Nguyễn Thị Khuyên và Trần Thị Thùy đều sinh sống tại thôn Sơn Bỉ, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên.
Tháng 9/2017, anh Dương Văn Lộc đang ngồi sau xe máy di chuyển trên đoạn đường thuộc phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên) thì bị thương ở phần đùi. Khi chụp X-Quang, phát hiện có vật kim loại hình đầu đạn nằm sâu trong vết thương.
Đến tháng 10/2017, bà Trịnh Thị Lý (Gia Khánh, Bình Xuyên) đang đi lễ chùa thì bị thương tích ở ngực. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, bà Lý được bác sĩ phẫu thuật và gắp ra một vật kim loại hình trụ, 1 đầu nhọn dài 2,1cm, đường kính 0,5cm dạng đầu đạn súng AK.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.