Vĩnh Phúc: Bất chấp dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kết quả cao

GD&TĐ - Chiều 7/10, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo thường kỳ quý III để thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 của tỉnh.

Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2021 (theo giá so sánh 2010) ước tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,79%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 15,17%, khu vực dịch vụ tăng 2,81% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,37% so với cùng kỳ năm 2020.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 24.680,4 tỷ đồng, đạt 80% dự toán và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa 20.911,8 tỷ đồng, đạt 77% dự toán và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Thu hút vốn đầu tư tăng vượt so với kế hoạch năm và tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, 9 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc thu hút 48 dự án mới. Trong đó, có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tưu cấp mới và tăng vốn đạt 992,48 triệu USD, bằng 248,12% kế hoạch năm và tăng 218,6% so với cùng kỳ năm 2020; vốn DDI đạt 16,3 nghìn tỷ đồng, bằng 291,14% kế hoạch năm và tăng 128% so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 9/2021, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát, chỉ số sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc đã tăng trở lại sau 2 tháng sụt giảm liên tiếp với mức tăng 9,01% so với tháng trước và tăng 1,02% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, có tới 17/24 ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 25,75%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 10,72%, ngành sản xuất kim loại tăng 17,12%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,31%, ngành sản xuất trang phục tăng 11,03% và ngành sản xuất giày da tăng 18,81%.

Sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, trong đó, xe ô tô các loại tăng 10,72%; doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 25,75%; giày, dép thể thao tăng 18,81%; thức ăn gia súc tăng 2,64%; quần áo các loại tăng 10,82% so với cùng kỳ.

Riêng sản lượng máy điều hòa không khí và xe máy các loại giảm do thị trường tiêu thụ các tỉnh phía nam gặp khó khăn, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn nên các công ty phải giãn tiến độ sản xuất (máy điều hòa không khí giảm 20,1%, xe máy các loại giảm 13,83%).

Đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc thông tin tại buổi họp báo
Đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc thông tin tại buổi họp báo

3 tháng cuối năm 2021, Vĩnh Phúc đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, có các nhiệm vụ như: Tập trung thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân; Đẩy mạnh cải cách và tạo đột phá về thể chế; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là các điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động; Triển khai đồng bộ các giải pháp và chuẩn bị nguồn lực cho năm học 2021-2022, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường lớp…

Cũng tại buổi họp báo, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã thông báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, trong ngày 7/10, Vĩnh Phúc ghi nhận thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tỉnh thành 240 ca, tính từ 27/4 đến nay. Ca mắc mới này là trường hợp trở về từ TP. Hồ Chí Minh và đã được cách ly y tế tập trung ngay khi về đến địa phương. Tính từ ngày 31/7, Vĩnh Phúc đã có 68 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ