Vĩnh Long cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin

GD&TĐ - Ngày 18/8, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Ngành giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Long ký kết hợp tác đào tạo và giáo dục với các địa phương trong tỉnh.
Ngành giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Long ký kết hợp tác đào tạo và giáo dục với các địa phương trong tỉnh.

Tham dự và chủ trì hội nghị có bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo Sở, ban ngành và phòng GD&ĐT các địa phương cùng dự.

Tỉnh thứ 20 đạt chuẩn phổ cập GD THCS từ mức độ 2 trở lên

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, tính đến nay, toàn tỉnh có 398 trường mầm non, phổ thông, so với cùng kỳ giảm 15 trường công lập do sáp nhập và tăng 1 trường mầm non ngoài công lập. Trong đó có 129 trường mầm non, 150 trường tiểu học, 85 trường THCS, 34 trường THPT và 8 trung tâm GDTX-GDNN.

Báo cáo tại hội nghị, bà Trương Thanh Nhuận - Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Năm học qua, chất lượng giáo dục ở các cấp học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được duy trì ổn định và được nâng lên, bảo đảm nội dung chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Vĩnh Long thực hiện vượt và đạt 5/6 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, 100% các cơ sở giáo dục (CSGD) chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2022 - 2023 linh hoạt, hiệu quả. Toàn tỉnh có 95% CBQL, GV, nhân viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, trong đó trên chuẩn đạt 23,93% (vượt chỉ tiêu 1,93%).

Vĩnh Long là tỉnh thứ 20 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ mức độ 2 trở lên…

Mặc dù tỷ lệ hoàn thành chương trình học các cấp đều đạt ở mức cao; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 xếp hạng 14 cả nước (tăng 5 bậc) và hạng 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về điểm trung bình các bài thi. Nhưng lại không đạt chỉ tiêu top 10 cả nước.

Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì và nâng cao. Trong năm học, tỉnh Vĩnh Long đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tại thời điểm năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại hội nghị.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của thầy, cô giáo và ngành giáo dục đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời gian qua.

Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị ngành giáo dục tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành cần tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, làm sao để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành và trong mỗi nhà trường góp phần thay đổi phương pháp quản lý và dạy học từ truyền thống sang tích cực. Đồng thời, tiết kiệm được thời gian làm việc; giúp cho việc chia sẻ, trao đổi thông tin trong quản lý; trong dạy học được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn…

Chuẩn bị cho khai giảng năm học mới, ngành giáo dục tỉnh khẩn trương rà soát, kiểm tra, đôn đốc bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Phối hợp các nhà xuất bản tổ chức cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm chất lượng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa hoặc tăng giá bất hợp lý trước khi khai giảng năm học mới.

Tại hội nghị, nhiều tổ chức, nhà tài trợ đã hỗ trợ cho ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long hơn 10,8 tỷ đồng chăm lo cho học sinh trong năm học mới. Dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long cùng các địa phương trong tỉnh đã ký kết hợp tác trong giáo dục và đào tạo ngày càng bảo đảm chất lượng hơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ