>>1194 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT năm 2010
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009 |
Ngày 9/11/2010 Chủ tịch nước đã ký quyết định số 1917/QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 132 nhà giáo và quyết định số 1916/QĐ/CTN phong tặng danh hiệu NGƯT cho 1062 nhà giáo đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp Giáo dục của đất nước được giáo giới suy tôn.
Các nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND-NGƯT đã được quần chúng, cán bộ, người lao động giới thiệu, suy tôn tại cơ sở giáo dục nơi chính họ công tác và được bỏ phiếu tín nhiệm qua các cấp Hội đồng.
Diện xét thường là các nhà giáo hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Diện xét đặc cách là các nhà giáo trên 70 tuổi chưa hội tụ đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại TT22 hoặc do điều kiện thời gian không lưu giữ đủ minh chứng về tài năng sư phạm và ghi nhận của ngành và của nhà nước nhưng có ảnh hưởng lớn tại địa phương và tại các Bộ ngành, được Hội đồng cấp Bộ, Ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước xét chọn.
Năm 2010, Ban Thư ký Hội đồng cấp Nhà nước đã nhận được 138 hồ sơ Nhà giáo nhân dân và 1198 hồ sơ Nhà giáo Ưu tú của 20 Bộ, Ngành, Đại học quốc gia, trong đó diện xét thường có 68 hồ sơ NGND; 1067 hồ sơ NGƯT và diện xét đặc cách có 70 hồ sơ NGND 131 hồ sơ NGƯT.
Hội đồng xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú cấp nhà nước đã xem xét và thống nhất đưa vào danh sách bỏ phiếu sơ duyệt 134 trường hợp đề nghị phong tặng danh hiệu NGND và 1062 NGƯT. Sau khi thăm dò dư luận và bỏ phiếu tán thành Hội đồng đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, xét trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự cho 132 NGND (trong đó có 68 trường hợp đặc cách) và 1062 NGƯT (trong đó có 126 trường hợp đặc cách).
Trong số các nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND-NGƯT lần thứ 11 năm 2010 số nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân tăng 29 nhà giáo, Nhà giáo ưu tú tăng 234 nhà giáo so với lần thứ 10 năm 2008 (Tỷ lệ NGND và NGƯT tăng đều khoảng 28% so với lần thứ 11);
* Phân tích 1062 NGƯT theo cấp học, trình độ đào tạo; Giáo viên, giảng viên và Cán bộ quản lý:
Cấp học, trình độ đào tạo | Giáoviên, Giảng viên | Tỷ lệ | Cánbộ quản lý | Tỷ lệ |
Giáo dục Mầm non | 34 | 3,2 % | 11 | 1 % |
Giáo dục Tiểu học | 43 | 4,0 % | 83 | 7,8 % |
Giáo dục Trung học | 88 | 8,3 % | 134 | 12,6 % |
Giáo dục Thường xuyên | 1 | 0,09 % | 16 | 1,5 % |
Giáo dục Chuyên nghiệp | 26 | 2,4 % | 39 | 3,7 % |
Cao đẳng | 47 | 4,4 % | 62 | 5,8 % |
Đại học | 210 | 19,8 % | 144 | 13,5 % |
Cơ quan quản lý giáo dục | 0 | 124 | 11,7 % | |
Cộng: | 449 | 42,3% | 613 | 57,7 % |
* Phân tích theo giới tính:
Trong ngành giáo dục, nhà giáo nữ chiếm tỷ lệ cao (78 %) so với nhà giáo nam (22 %) nhưng tỷ lệ Nhà giáo nữ được suy tôn danh hiệu vinh dự nghề nghiệp lại thấp, cụ thể trong lần xét tặng lần thứ 11 năm 2010:
- Tỷ lệ NGND nữ chiếm 9,7 % số lượng NGND được đề nghị (nam 90,3%)
- Tỷ lệ NGƯT nữ chiếm 38,9 % số lượng NGƯT được đề nghị (nam 61,1%)
Tỷ lệ nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND-NGƯT là cán bộ quản lý lại cao hơn tỷ lệ giáo viên, giảng viên (đối tượng chính) 57,7% nhà giáo là Cán bộ quản lý so với 42,3% là người trực tiếp giảng dạy.
Tỷ lệ đề nghị xét diện đặc cách NGND còn khá cao, chiếm 52,3 % tổng số nhà giáo đề nghị xét tặng NGND.
Các phân tích về số lượng nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND-NGƯT lần thứ 11 năm 2010 đang đặt ra một bài toán cho các cán bộ quản lý ngành và đặc biệt với cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của ngành giáo dục trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng văn bản, sao cho Danh hiệu vinh dự nghề nghiệp thực sự là phần thưởng lớn lao của nhà nước dành tặng những người thầy. Tỷ lệ nhà giáo ở các cấp học, bậc học phải tương xứng với số lượng nhà giáo được phong tặng ở các cấp học, bậc học.
Để sự tôn vinh này thực sự là niềm hạnh phúc, sự tự hào và niềm vinh dự của nhà giáo, nhà trường và các thế hệ học sinh, công tác Thi đua, Khen thưởng của ngành Giáo dục cần có sự đầu tư hơn nữa của các nhà quản lý giáo dục và sự đóng góp ý kiến xây dựng tiêu chí đánh giá NGND-NGƯT của chính các nhà giáo và toàn thể nhân dân.
Công tác thi đua, khen thưởng nói chung và việc vinh danh các nhà giáo nói riêng cần sát thực, để những người được khen thưởng là những nhà giáo thực sự có thành tích, được tôn vinh và công tác khen thưởng cũng cần linh hoạt hơn để những cô giáo, thầy giáo đang thầm lặng hi sinh tuổi xuân ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, những người thầy đang cống hiến hết tâm lực cho ngành giáo dục được ghi nhận và vinh danh kịp thời.
Thu Hương