Cuộc khảo sát được thực hiện với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) tại 17 thị trường trọng yếu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Mỹ Latinh, Mỹ, Canada và Châu Âu.
|
Việt Nam đạt 132 điểm, đứng thứ 3 về chỉ số tin cậy thương mại toàn cầu. (Ảnh, internet) |
Đây là đợt khảo sát có quy mô lớn nhất, trong đó 5,120 doanh nghiệp đã đưa ra các dự đoán của họ trong 6 tháng tới về khối lượng giao dịch thương mại, các rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp, nhu cầu tài trợ thương mại, khả năng tiếp cận tài trợ thương mại, tác động của ngoại hối, chính sách của nhà nước đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông Lawrence Webb, đại diện ngân hàng HSBC nhận định: hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò then chốt trong sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Thương mại đã chuyển trọng tâm sang các thị trường mới nổi, nơi thương mại có sự hồi phục nhanh chóng. Giao thương của các thị trường này với các nước trong cùng khu vực tiếp tục thúc đẩy quá trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các nước phát triển như Mỹ, có đầu tư tại những thị trường đang phát triển cũng được hưởng lợi.
Số đông các doanh nghiệp tại Mỹ La-tinh (64%), Trung Quốc (63%) và Ấn Độ (61%) đều lạc quan và kỳ vọng khối lượng thương mại sẽ tăng trong 6 tháng tới. UAE, Ấn Độ và Việt Nam có chỉ số tin cậy thương mại ở mức lạc quan cao nhất trong 17 thị trường được khảo sát với số điểm lần lượt là 134, 133 và 132. Các thị trường còn lại cũng có chỉ số nằm ở ngưỡng lạc quan, trừ Pháp nằm trong ngưỡng bi quan về triển vọng giao thương với 95 điểm.
Giang Đông