Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 đến 10h ngày 26/10 cả nước đã tiêm 75,250,990 liều vắc xin. Trong đó ngày 25/10, tiêm 900,126 liều.
Báo cáo công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 23/10, nước ta đã tiếp nhận và phân bổ 70 đợt vắc xin với tổng số 97,6 triệu liều.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất (tính theo số mũi tiêm/số vắc xin phân bổ) cập nhật đến sáng 25/10 là Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bình Phước, Cao Bằng, Sơn La, Bạc Liêu, Thái Bình, Điện Biên, Nghệ An, Hà Nội.
Ngoài ra, 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất là Quảng Bình, Kiên Giang, Đắk Nông, Hưng Yên, Cà Mau, Hà Nam, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bình Định.
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vắc xin phòng Covid-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương.
Đã có 7 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An (88,8%), TP.HCM (77,5%), Quảng Ninh (72,7%), Bình Dương (58,9%), Hà Nội (56,7%),Lạng Sơn (56,5%) và Đồng Nai (51,0%).
Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”. Theo đó, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, điểm tiêm cần đảm bảo thực hiện 5 bước trong quy trình: (1) Khai báo y tế, đo thân nhiệt; (2) Hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm chủng; (3) Sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn trước khi tiêm chủng; (4) Tiêm chủng; (5) Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Sau khi tiêm chủng, người được tiêm cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm và được cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sau khi kết thúc thời gian theo dõi, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.