Việt Nam và Belarus ký kết hợp tác về giáo dục

GD&TĐ - Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Belarus ký kết Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus Ivanets Andrei Ivanovich đại diện hai bên ký kết Hiệp định hợp tác.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus Ivanets Andrei Ivanovich đại diện hai bên ký kết Hiệp định hợp tác.

Sáng 16/6, tại Bộ GD&ĐT diễn ra hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước cộng hòa Belarus. Lễ ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Belarus trong lĩnh vực giáo dục diễn ra trong khuôn khổ hội đàm.

Tham dự hội đàm, về phía Belarus có Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ivanets Andrei Ivanovich; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Belarus tại Việt Nam Baravikou Uladzimir Uladzimiravich; lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học tại Belarus; chuyên viên Bộ Giáo dục Belarus.

Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo một số vụ, cục có liên quan; lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus Ivanets Andrei Ivanovich phát biểu tại hội đàm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus Ivanets Andrei Ivanovich phát biểu tại hội đàm.

Nội dung hợp tác trong Hiệp định gồm các hướng hoạt động: Trao đổi kinh nghiệm theo các hướng phát triển quan trọng nhất của hệ thống giáo dục; đồng thực hiện các nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học sư phạm mà hai bên quan tâm; đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ, thực tập khoa học, đào tạo lại cho cán bộ giáo dục; trao đổi chuyên gia nhằm hoàn thiện công tác giảng dạy.

Theo Hiệp định này, hàng năm hai bên trao đổi tương đương 20 học bổng bao gồm 5 học bổng đại học, 5 thạc sĩ, 5 nghiên cứu sinh và 5 thực tập sinh; đồng thời cho phép sinh viên Việt Nam được nhận học bổng 01 năm học dự bị tiếng Nga tại Belarus và sinh viên Belarus được nhận học bổng 1 năm học dự bị tiếng Việt tại Việt Nam.

Đây là điểm mới, mở rộng cơ hội cho các ứng viên có mong muốn được học tập tại các cơ sở giáo dục của hai nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội đàm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội đàm.

Đánh giá cao tầm quan trọng của việc ký Hiệp định hợp tác về giáo dục giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là sự kiện quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, với lịch sử hợp tác lâu dài, theo Bộ trưởng, nội dung hợp tác trong Hiệp định còn khiêm tốn và trách nhiệm của hai bên là cần làm cho Hiệp định nhanh chóng thay đổi theo hướng tốt hơn nữa.

Trong trao đổi, Bộ trưởng đồng thời chúc mừng thành công của sự kiện Ngày Giáo dục Belarus được tổ chức ngày 15/6 tại Đại học Bách khoa Hà Nội với sự tham dự của 8 trường đại học của Belarus và sinh viên đến từ 30 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Tại sự kiện, nhiều văn bản hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học hai bên được ký kết.

Tặng quà lưu niệm nhân dịp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus Ivanets Andrei Ivanovich và đoàn công tác đến thăm, làm việc tại Bộ GD&ĐT.

Tặng quà lưu niệm nhân dịp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus Ivanets Andrei Ivanovich và đoàn công tác đến thăm, làm việc tại Bộ GD&ĐT.

“Hợp tác giữa 2 Bộ Giáo dục phải được bắt đầu và triển khai trong thực tế từ các trường đại học. Việc nhiều văn bản hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học được ký kết có ý nghĩa quan trọng, đó mới là sự vận hành thực tế của sự hợp tác”. Bộ trưởng chia sẻ và mong muốn thời gian tới, các trường triển khai nội dung thỏa thuận và sẽ có nhiều hơn các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên hai nước giao lưu, trao đổi.

Ngoài trao đổi giảng viên và sinh viên, hợp tác trong nghiên cứu khoa học cũng là lĩnh vực rất cần phải thúc đẩy. Belarus có thế mạnh về lĩnh vực khoa học, công nghệ, đây lại là lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu phát triển trong thời gian tới.

Đặt vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm của hai Bộ là làm sao sao thúc đẩy hơn nữa sự gia tăng hợp tác của các trường đại học, cơ sở giáo dục hai nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục Belarus.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục Belarus.

Chia sẻ vui mừng được đến làm việc tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich bày tỏ cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ GD&ĐT Việt Nam dành cho đoàn.

Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Belarus được thiết lập vào năm 1992, song hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có trước đó 30 năm. Hiện nay, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển mối quan hệ hợp tác này sâu sắc hơn nữa.

“Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong đào tạo từ bậc cử nhân, tới thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa trao đổi sinh viên, giảng viên” Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich nói và bày tỏ hy vọng cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ là điểm sáng trong hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước.

Cộng hòa Belarus là một trong các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết rất tích cực trong việc kết nối các cựu du học sinh nước ngoài, trong đó có các du học sinh Việt Nam, những người đã từng học tập tại Liên Xô trước đây và Belarus ngày nay.

Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao ở các ngành khoa học kỹ thuật mà Belarus có thế mạnh như: Toán ứng dụng, vật lý lý thuyết, hạt nhân, điện tử, vô tuyến điện, cơ khí, vật liệu, công nghệ thông tin.

Trong những năm 80, hằng năm có hàng trăm sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đã sang học tập tại Belarus. Tính đến nay đã có hàng ngàn công dân Việt Nam đã được học tập, nghiên cứu, đào tạo nghề tại Cộng hòa Belarus.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.