Việt Nam tự hào về kết quả khảo sát PISA là trung thực, khách quan

Việt Nam tự hào về kết quả khảo sát PISA là trung thực, khách quan

Thưa TS. Lê Thị Mỹ Hà, cách đây nhiều năm, đưa ra quyết định tham gia "Chương trình đánh giá học sinh quốc tế"- PISA chắc là một quyết định khó khăn, tại sao Bộ GD&ĐT lại quyết định tham gia khảo sát PISA?

Bà Lê Thị Mỹ Hà - Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD)
Bà Lê Thị Mỹ Hà - Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD)  
 

Cách đây 6 năm (2008), Bộ GD&ĐT quyết định tham gia "Chương trình đánh giá học sinh quốc tế"- PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và tổ chức.

Có thể nói rằng vào thời điểm đó đưa ra quyết định này là một việc khó khăn. Trong những khó khăn ban đầu đó, vai trò quyết định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân rất quan trọng. Mốc quan trọng cụ thể như sau: 

- Ngày 27/10/2008 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có văn bản giao Bộ GD&ĐT tiến hành khẩn trương nhất để đăng ký Việt Nam tham gia Chương trình quốc tế đánh giá học sinh (Programme for International Student Assessment - PISA);

- Ngày 22/10/2009 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có thư gửi ông Angel Gurria, Tổng Thư ký OECD đề nghị chấp nhận Việt Nam tham gia PISA 2012;

- Ngày 11/11/2009: OECD có thư chính thức gửi Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về việc đồng ý đề Việt Nam tham gia PISA. 

Vì OECD là Tổ chức của các nước phát triển nên chất lượng giáo dục các nước này thường cao vì có sự đầu tư rất tốt từ nhà nước; Các nước khác khi tham gia vào Chương trình này với năng lực kinh tế thấp hơn, đầu tư cho giáo dục cũng thấp hơn nên có tâm lý e ngại khi tham gia PISA.

Kết quả Khảo sát PISA được công bố toàn cầu với các phân tích mặt mạnh, mặt yếu của chính sách giáo dục quốc gia nên ngay chính trong bản thân các nước thành viên của OECD, mỗi lần công bố kết quả Khảo sát người ta thường so sánh thứ hạng nước này với nước kia.

Với các nước có thứ hạng thấp trong bảng kết quả cũng có phần nào e ngại nhất định. Chính quan ngại như vậy nên nhiều nước không tham gia khảo sát PISA.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT là trong quá trình hội nhập quốc tế, cũng cần phải biết nền giáo của mình đang đứng ở chỗ nào so với các nước trong khu vực và thế giới; Năng lực học sinh Việt Nam trong môi trường quốc tế hiện nay như thế nào; Nền giáo dục của mình còn điểm gì yếu kém để khắc phục. Nói như vậy là mình phải biết nhìn thẳng vào sự thật.

Trên thế giới có nhiều chương trình đánh giá học sinh khác nhau, tuy nhiên, PISA là Chương trình đánh giá học sinh ở tuổi 15, tuổi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc chuẩn bị bước vào cuộc sống, là chương trình có uy tín khoa học, hiện đại và được các nước phát triển trên thế giới lựa chọn nên Bộ đã đăng ký tham gia chương trình này.

 Bộ GD&ĐT đã rút ra được những bài học gì trong công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập cũng như trong hoạch định chính sách phát triển giáo dục từ kì khảo sát PISA lần này?

Trước đây, công tác kiểm tra đánh giá trong nhà trường thường tập trung vào kiểm tra các kiến thức, kỹ năng cơ bản học sinh được học trong nhà trường, chưa chú trọng đến cách ra các câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống thực tiễn. Trong mấy năm gần đây, chúng ta đã đổi mới công tác kiểm tra đánh giá trong nhà trường theo hướng PISA.

Cũng tại thời điểm quyết định tham gia PISA, khoa học kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh tại Việt Nam vẫn chưa phát triển theo kịp thế giới.

Tham gia vào PISA, chúng ta học tập được rất nhiều, được tập huấn đội ngũ để đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay. Ví dụ, học cách xây dựng đề kiểm tra đánh giá năng lực của người học, kỹ thuật thiết kế phiếu hỏi, kỹ thuật chọn mẫu, chấm bài, nhập dữ liệu, phân tích dữ liệu và xây dựng báo cáo.  

 Kết quả khảo sát PISA khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của HS phổ thông Việt Nam. Ảnh: Bích Ngọc (TTXVN)
Kết quả khảo sát PISA khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của HS phổ thông Việt Nam. Ảnh: Bích Ngọc (TTXVN)

 Đây là lần đầu tiên Việt Nam chính thức tham gia PISA đã khẳng định và ghi tên mình vào bản đồ giáo dục thế giới ở thứ hạng cao: Xin bà chia sẻ những khó khăn và thuận lợi của hành trình dẫn đến thành công này?

Cá nhân tôi thấy rằng khó khăn đầu tiên khi chúng ta quyết định tham gia "Chương trình đánh giá học sinh quốc tế" là về mặt nhận thức. Khi Bộ GD&ĐT đã đưa ra quyết định đăng ký tham gia nhưng nhiều người vẫn còn có những e ngại chưa muốn tham gia.

Tiếp đó, hầu hết chưa ai hiểu được PISA là gì nên phải làm công tác tuyên truyền; Chưa hiểu được cách làm PISA như thế nào nên phải làm công tác tập huấn giới thiệu về PISA và kỹ thuật. Thậm chí khi khảo sát thử nghiệm, các trường vẫn còn có tâm lý coi đây là một kỳ thi trong nước thường làm như mọi khi. 

Với học sinh, các em thường không nỗ lực làm bài khảo sát vì không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập của mình. Chính vì vậy phải giải thích, động viên và đặc biệt phải quán triệt tư tưởng: kì đánh giá này là để khẳng định chất lượng giáo dục của cả nước chứ không khẳng định chất lượng giáo dục của một đơn vị, cá nhân học sinh nào.

Chúng ta cũng phải giải thích cho giáo viên và học sinh hiểu được đây là trách nhiệm của mỗi người được chọn, nhà trường và học sinh là đại diện quốc gia, thông qua kết quả làm bài của các em, chúng ta sẽ đánh giá được chất lượng giáo dục của trên cả nước để biết được giáo dục Việt Nam đứng ở đâu so với thế giới và khu vực để kiến nghị những giải pháp giáo dục. 

Khó khăn thứ hai là năng lực đội ngũ để triển khai trong công tác xây dựng tài liệu, dịch thuật, tiến hành khảo sát, chấm bài, nhập dữ liệu... Từ trước đến nay, cán bộ, giáo viên của Việt Nam chưa quen với cách chấm bài của PISA; như: mà hóa điểm, chấm bội, chấm đơn... tất cả các bước kỹ thuật đều mới và tương đối khó mà cán bộ, giáo viên phải vượt qua.

Bên cạnh đó là năng lực ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin để xử lý các bước này cũng là một thách thức. Tài liệu, đề thi, phần mềm đều do OECD cung cấp nên lực lượng chuyên gia đáp ứng công tác này không nhiều, thường xuyên làm việc quá tải trong quá trình triển khai khảo sát PISA.

Khó khăn tiếp nữa là công tác tổ chức thực hiện, điều hành kỳ khảo sát này trên phạm vi cả nước phải tuân thủ mọi quy trình, kỹ thuật của OECD.

Trong quá trình triển khai thực hiện, OECD tập huấn các yêu cầu kỹ thuật cho đội ngũ chuyên trách PISA của các quốc gia, đội ngũ này về nước có nhiệm vụ tập huấn lại cho toàn bộ đội ngũ cán bộ thực hiện, gồm cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên địa phương. Giáo viên sẽ tập huấn cho học sinh.

Ngoài ra, theo yêu cầu của OECD, tất cả quốc gia tham gia PISA phải có một tổ chức chuyên trách gọi là Trung tâm PISA quốc gia để điều hành toàn bộ quy trình kỹ thuật tổ chức triển khai PISA tại quốc gia đó. Việt Nam chưa có sẵn cơ quan, đơn vị chuyên trách nào để triển khai công tác này.

Đồng thời, chúng ta cũng chưa hình dung hết công việc cần thực hiện nên chưa thành lập tổ chức chuyên trách. Sau khi có Trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục, Bộ giao cho Trung tâm nhiệm vụ tổ chức triển khai PISA, và đăng ký với OECD tên gọi Văn phòng PISA Việt Nam để thực hiện.

Nhiều khó khăn như vậy, tuy nhiên lãnh đạo Bộ, các Sở GD&ĐT và giáo viên, học sinh cả nước có quyết tâm rất cao khi tham gia "Chương trình đánh giá học sinh quốc tế"- PISA.

Kết quả PISA Việt nam đạt được như vậy là thành quả của sự nỗ lực của ngành giáo dục, cán bộ quản lý GD, GV và HS cũng như sự quan tam động viên của toàn xã hội. Kết quả này phản ánh sự vượt khó, vượt khổ của Việt Nam và chúng ta tự hào vì đó là kết quả trung thực, khách quan; Toàn bộ đội ngũ GV và HS tham gia PISA sẽ đồng tình về tôi về điều này!

Xin cảm ơn TS. Lê Thị Mỹ Hà!

Bá Hải (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ