Dù không tiết lộ về quốc gia nhập khẩu, giá bán nhưng ông Tuấn cho biết, giá gạo Việt Nam trong đợt thầu này “rất tốt”, cao hơn mức giá xuất khẩu hiện nay.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho PV Tiền Phong biết, đối Indonesia là nước nhập khẩu 1 triệu tấn gạo của Việt Nam. Như vậy, đây là một tin vui với Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu gạo bế tắc, giá ở mức thấp từ đầu năm đến nay.
Trước đó, hồi giữa tháng 9, Việt Nam cũng trúng thầu bán cho Philippines 450.000 tấn, với giá 426,6 USD/tấn. Theo ông Tuấn, sau đợt trúng thầu với Philippines, giá lúa trong nước đã được cải thiện, tăng lên khoảng 300-400 đồng/kg. Hiện giá lúa thường tại An Giang bình quân 4.100 đồng/kg lúa tươi, lúa Jasmine khoảng 5.700 đồng/kg.
“Với các đơn hàng lớn vừa qua, có thể tin rằng, giá lúa từ nay đến hết quý I 2016 sẽ có chuyển biến tốt hơn, cao hơn thời gian hiện tại”- ông Tuấn nói. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dự báo trong ngắn hạn và trung hạn, giá lúa gạo khó tăng lên cao, thậm chí có thời điểm giảm nhẹ, nên Việt Nam cần phải điều chỉnh, cân đối.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua tăng lên mức 340- 345 USD/tấn (giá FOB cảng Sài Gòn), từ mức 330- 340 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng lên 325- 335 USD/tấn, so với 320 - 330 USD/tấn tuần trước đó.
Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,47 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,92 tỷ USD, giảm hơn 10% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.
Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% thị phần (8 tháng đầu năm). Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 về lượng và giá trị. Các thị trường xuất khẩu gạo lớn khác của Việt Nam là là Malaysia, Ghana, Bờ Biển Ngà, Philippines…