Trị Covid-19 thể nhẹ và trung bình
GS.TS Nguyễn Văn Tuyến - Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, số người lây nhiễm và tử vong ngày càng cao, ngoài giải pháp vắc-xin thì việc nghiên cứu tạo ra các thuốc điều trị là vô cùng quan trọng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ/CP ngày 20/07/2021, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao cho Viện Hóa học và Viện Hóa sinh biển thực hiện nhiệm vụ đột xuất tổng hợp một số thuốc tiềm năng phục vụ điều trị Covid-19.
Ngoài các thuốc Favipiravir (do Viện Hóa học nghiên cứu) và thuốc Molnupiravir (do Viện Hóa sinh biển nghiên cứu) đã được thông báo nghiên cứu tổng hợp thành công trước đây, Viện Hóa học tiếp tục nghiên cứu và thành công trong việc hoàn thiện quy trình tổng hợp chất Nitazoxanide ở quy mô pilot.
Quy trình tổng hợp Nitazoxanide đạt hiệu suất cao qua chỉ hai bước phản ứng từ nguyên liệu giá rẻ. “Đây là loại thuốc generic giá rất rẻ, sử dụng đường uống, an toàn và phù hợp để thực hiện ở điều kiện Việt Nam”, GS Tuyên nói.
Nitazoxanide có hoạt tính kháng virus phổ rộng diệt được nhiều virus khác nhau. Đặc biệt, kết quả thử nghiệm cho thấy, sản phẩm có hoạt tính chống lại SARS-CoV-2 được nuôi cấy trên tế bào vero cell6 với IC50 2 µM. Ngoài ra, Nitazoxanide có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch, cải thiện phổi và các tổn thương trên nhiều cơ quan của cơ thể nên có thể được sử dụng hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh đi kèm, đặc biệt là cơn bão cytokine.
GS Tuyên cho biết, hiện nay, trên thế giới đã và đang thực hiện 29 thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân Covid-19, trong đó có 8 thử nghiệm đã kết thúc và chứng minh Nitazoxanide có thể được sử dụng an toàn để điều trị sớm Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình, làm giảm tải lượng virus, giảm số bệnh nhân phải nhập viện. Nitazoxanide cũng được chứng minh sử dụng hiệu quả để điều trị bệnh nhân mang thai và điều trị dự phòng với các nhân viên y tế hiệu quả.
Đáng chú ý là kết quả thử nghiệm Nitazoxanide lâm sàng giai đoạn 3 của Công ty Romark theo phương pháp ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng với giả dược tại 36 trung tâm, được báo cáo trên 379 bệnh nhân (gồm 37% bệnh nhân nhẹ và trung bình, 60,9% bệnh nhân nặng) với liều 600mg chia làm 2 lần trong 5 ngày.
Kết quả chứng minh Nitazoxanide có khả năng làm giảm 85% bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện và trở nặng so với nhóm đối chứng [1/184 (0.5%) dùng Nitazoxanide so với 6/195 (3.1%) dùng giả dược, p=0.07]; thời gian trung bình phục hồi bền vững là 3,1 ngày; thời gian để trở lại trạng thái bình thường giảm 5,2 ngày so với giả dược. Thuốc sử dụng an toàn, có độ dung nạp tốt.
Ngày 11/11/2021, Viện Hóa học và Công ty Kassell Việt Nam đã ký hợp đồng nguyên tắc để chuyển giao công nghệ và đề xuất xin thử nghiệm lâm sàng thuốc Nitazoxanide giá rẻ điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình tại nhà. Theo đánh giá của Công ty Romark, thuốc này có hoạt tính tương đương với các kháng thể đơn dòng được FDA cấp phép khẩn cấp điều trị bệnh Covid-19.
Sẽ có thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược
PGS.TS Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, ngày 22/11, nhóm nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược có tên Vipdervir đã chuyển thuốc đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba theo lịch trình thử nghiệm lâm sàng do Bộ Y tế đã phê duyệt.
Về thời gian thử nghiệm, ông Huấn cho biết vẫn chưa biết sẽ kéo dài bao lâu do khâu tuyển chọn tình nguyện viên khá phức tạp. Giai đoạn ba sẽ thử nghiệm trên 200 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Để tham gia thử nghiệm, bệnh nhân phải có nhiều tiêu chí như tình trạng mắc Covid-19 không quá nặng, không có một số loại bệnh nền, không sử dụng một số loại thuốc đặc thù... Theo ông Huấn, thời gian qua, số bệnh nhân ở miền Bắc không nhiều. Chỉ những bệnh nhân nặng mới đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. “Bệnh nhân nặng lại không đủ điều kiện tham gia thử thuốc, nên việc tuyển tình nguyện viên thử nghiệm là một khâu khó khăn”, ông cho biết.
“Sau khi pha hai kết thúc, nhóm nghiên cứu xác định được liều tối ưu dùng cho bệnh nhân nên chuyển sang pha ba để thử nghiệm. Ở lần thử nghiệm này sẽ không chia ra các nhóm bệnh nhân dùng các liều khác nhau mà sử dụng đồng nhất một liều giống nhau”, PGS.TS Lê Quang Huấn nói.
PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng Triển khai Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, nhóm nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 đã được Hội đồng Y đức Quốc gia cho thử nghiệm lâm sàng. Với việc bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, hy vọng trong một hai tháng tới sẽ có kết quả chính thức để được công nhận thành thuốc được lưu hành.
Trước đó, ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19. Thuốc thử nghiệm Vipdervir được điều chế từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ thảo dược, giúp ức chế khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 trong tế bào, được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng.
Nhóm nghiên cứu của PSG.TS Lê Quang Huấn đã sử dụng công nghệ tin sinh học để sàng lọc các hoạt chất chính có trong các loại thảo dược của Việt Nam, có tác dụng ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào tế bào chủ, ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào, kích hoạt các tế bào hệ miễn dịch của người bệnh. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra tổ hợp các loại thảo dược chứa các hoạt chất đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Thuốc thử nghiệm Vipdervir đã được đánh giá độc tính cấp tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương và Đại học Y Hà Nội, đánh giá khả năng ức chế virus cúm A/H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và khả năng tăng miễn dịch tại Đại học Y Hà Nội.
Bình luận