Cụ thể, FDI Intelligence chấm Việt Nam đạt 6,45 điểm, vị trí tiếp theo là Hungary với 4,32 điểm và Romania với 3,48 điểm. Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á là Malaysia đạt 2,86 điểm và Thái Lan 2,43 điểm.
Tương tự, báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển cũng khẳng định, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực châu Á đang phát triển.
Bằng chứng là trên tổng số 765 tỷ USD vốn FDI trong năm 2015 vào các nước đang phát triển, số vốn đầu tư vào các nước châu Á đang phát triển là 541 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực chế biến và bất động sản ở Việt Nam. Y tế cũng là một lĩnh vực cho thấy sức hút của Việt Nam, kể từ khi Chính phủ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/7/2016 cả nước có 1.408 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 8,695 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Đồng thời, đã có 660 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,245 tỷ USD, tăng 125,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 7 tháng đầu năm 2016 đã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,209 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,39 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,37 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư.
Cũng trong thời gian này, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 28 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,987 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư.
Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,686 tỷ USD, chiếm 13%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,45 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.