GS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, số vắc xin phòng Covid-19 nhận được của COVAX đã phân bổ đến 63 tỉnh thành phố và một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và phân bổ hơn 200.000 liều đến 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm chủng cho công nhân trong các khu công nghiệp.
Hiện các địa phương đã và đang tích cực đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
GS. Đặng Đức Anh cũng cho biết, Chương trình Covax thông báo sẽ có thêm khoảng 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca đến Việt Nam vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới.
Toàn bộ số vắc xin này sẽ được phân bổ tới các địa phương để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và các tỉnh có khu công nghiệp.
Từ nay đến hết quý III, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua Công ty VNVC.
Bên cạnh đó, theo thông báo của Pfizer, trong quý III này, hãng có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vắc xin, số còn lại sẽ tập trung giao trong quý IV. Tuy nhiên, thời gian và số lượng cụ thể có thể thay đổi, phụ thuộc tình hình thế giới.
Riêng đối với vắc xin Pfizer, GS. Đặng Đức Anh cho biết, do điều kiện bảo quản vắc xin này phải ở nhiệt độ âm sâu (khoảng -70 độ C), nếu ở nhiệt độ 2-8 độ C thì chỉ dùng được trong 1 tháng, vì vậy, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị trên cả nước đảm bảo việc bảo quản, vận chuyển vắc xin này đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất.
Cũng theo GS. Đặng Đức Anh, Việt Nam đặt mục tiêu có 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay để bao phủ tối thiểu hơn 70% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.
Tính đến nay đã có 4 lô vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 về tới Việt Nam, với tổng gần 2,9 triệu liều. Trong đó, lô đầu tiên về Việt Nam ngày 24/2, thông qua Công ty VNVC gồm 117.600 liều. Lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều. Lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều. Lô mới nhất 288.000 liều của Công ty VNVC về ngày 25/5.
Hiện, Việt Nam đã tiêm được 1,55 triệu liều vắc xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên và công nhân; các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai tiêm phòng.
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc, đề nghị các địa phương triển khai tiêm ngay khi nhận được vắc xin và hoàn thành trước ngày 15/8.
Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt khẩn cấp 4 vắc xin phòng Covid-19, gồm AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm và Pfizer.
Trước đó, ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 theo đề nghị của Bộ Tài chính. Quỹ được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: kinh phí mua vắc xin khoảng 21 nghìn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vắc xin phòng Covid-19, việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.