“Chúng ta không khuất phục trước khó khăn”
Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây hơn 1 tháng, tại buổi thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô ngày 30/7 cũng tại trụ sở Chính phủ, các đại biểu đã thống nhất sau khoảng 1 tháng sẽ xem xét tình hình, ngồi lại, cập nhật, đánh giá và tiếp tục đưa ra các đề xuất chính sách, giải pháp liên quan để thích ứng tình hình mới. Trong hơn 1 tháng qua, tình hình lại tiếp tục có nhiều thay đổi.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị quyết của Chính phủ về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Đây là chủ đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP. |
Thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong đó nhiều yếu tố bất lợi đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam trong cả trước mắt và lâu dài. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc. Xung đột Nga - Ucraina chưa có dấu hiệu kết thúc.
Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa và lao động, chuỗi sản xuất đã và đang làm xáo trộn hoạt động sản xuất và đời sống. Áp lực lạm phát tăng cao, giá dầu mỏ, khí đốt và một số nguyên liệu đầu vào cơ bản biến động mạnh.
Các nước có những phản ứng chính sách khác nhau, trong đó có chính sách phòng chống dịch. Các tổ chức quốc tế liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cực đoan hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập.
Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF tăng dự báo tăng trưởng
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao tính tự cường và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam; công tác quản lý kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo các cân đối lớn; công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam; quá trình thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch...
Đại diện các tổ chức quốc tế khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam, đồng thời cũng đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng về các chính sách kinh tế, xã hội đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Francois Phainchaud - Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) nêu các chính sách liên quan phòng chống Covid-19 đã giúp Việt Nam duy trì tỷ lệ tử vong thấp và ổn định kinh tế trong ngành ngân hàng và tài chính. Đây là công việc khó khăn nhưng Việt Nam đã làm rất tốt.
Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF). Ảnh: VGP. |
Liên quan tới các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng tới Việt Nam, ông Francois Phainchaud nêu thế giới đang phải đối mặt rất nhiều rủi ro về lạm phát, khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam đang phục hồi rất tốt, việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới Covid-19, các nỗ lực bao phủ vắc xin, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch.
Ông Francois Phainchaud cho biết, trong tháng 7, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên. Đây là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà cơ quan này tăng dự báo tăng trưởng.
Năm 2023, chúng tôi giảm dự báo xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, nhưng vẫn là mức rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á - ông Francois Phainchaud.
Kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng, ấn tượng
Ông Andrea Copppla - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, nếu chúng ta nhìn bối cảnh của Việt Nam thì chúng ta thấy nền kinh tế phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng.
"Tôi nghĩ tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II, quý III rất tốt. Sự phát triển của ngành công nghiệp cũng đã có tăng trưởng vượt bậc. Nhưng nếu nhìn vào tương lai, chúng ta vẫn thấy các thách thức cơ bản" - ông Andrea Copppla nói.
Các xu hướng tác động như tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế trong nội địa.
Yếu tố về lạm phát, đặc biệt là từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina diễn ra thì có những rủi ro liên quan giá cao, như giá lương thực... Việc này làm cho chi phí về sản xuất, chi phí lao động cũng bị ảnh hưởng và kéo theo những tác động.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB) cho biết, những vấn đề như lạm phát đang tăng cao tại Mỹ, châu Âu, nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đang phải đối mặt với sự phát triển chậm của kinh tế thế giới. Chúng ta phải đối mặt với những cú sốc, tác động của đại dịch COVID-19, khủng hoảng y tế, cũng như những chính sách liên quan đến xử lý nợ công.
Ông Andrea Coppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam WB. Ảnh: VGP. |
Trước những vấn đề này Việt Nam đã có sự tự cường rất cao để đảm bảo được cân đối cho nền kinh tế.
Nhu cầu thị trường trong nước cũng đang được tăng lên, những kênh tiêu dùng cũng được tăng cường, bán lẻ đang cao. Sự thành công của Việt Nam mở ra triển vọng tốt đẹp đối với môi trường đầu tư và kinh doanh.
Đại diện ADB dự báo từ tháng 4 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% vào năm nay. Ông cũng duy trì dự báo này cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Theo đại diện ADB, sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế cũng ảnh hưởng đến sự xuất khẩu của Việt Nam, những ngành công nghiệp sử dụng lao động cao cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Để có thể duy trì được sự tăng trưởng nhanh, đảm bảo sự phục hồi, chúng ta cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ cũng như chuyển đổi số; tăng cường tính minh bạch, tạo sự công bằng giữa các chủ thể của nền kinh tế, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.