(GD&TĐ)- Sáng nay (4/3), được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Hungary Balog Zoltán đã kí kết thỏa thuận về hợp tác giáo dục hai nước Việt Nam- Hungary.
Chứng kiến buổi lễ còn có bà Torda Eszter Đại sứ Hungary tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý và đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD-ĐT.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Balog Zoltán kí thỏa thuận về hợp tác giáo dục hai nước Việt Nam- Hungary. Ảnh, gdtd.vn |
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Balog Zoltán khẳng định, quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hungary đã có từ lâu đời. Hiện nay vẫn có khoảng 240 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hungary. Chủ yếu trong lĩnh vực y, dược, thú y.
Hungary là quốc gia cách đây 20 năm về trước đã có những cải cách sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Đây chính là cơ sở để ông Balog Zoltán tin tưởng rằng trong hợp tác giáo dục với Việt Nam, Hungary có thể truyền đạt nhiều kinh nghiệm cải cách hệ thống giáo dục ở bậc học phổ thông, đào tạo nhân lực ở các ngành y, dược, thú y, năng lượng hạt nhân trong ứng dụng sản xuất điện. Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên có thể hợp tác về đào tạo âm nhạc; Hungary sẵn sàng tiếp nhận nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tiến sĩ.
Ông Balog Zoltán đề nghị, Bộ GD-ĐT Việt Nam tạo cơ hội cho các trường ĐH của Hungary quảng bá hình ảnh của mình tại các trường ĐH của Việt Nam để từ đó giới thiệu ngành nghề, chương trình đào tạo cũng như bề dày lịch sử, uy tín của trường; đồng thời để sinh viên Việt Nam có cơ hội nắm bắt những ưu đãi của các trường ĐH này khi quyết định theo học.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Ngay từ khi đất nước Việt Nam còn khó khăn sau khi thống nhất đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất từ Chính phủ và nhân dân Hungary.
Từ trước đến nay, có khoảng 4.000 người Việt Nam đã học tập, nghiên cứu tại Hungary sau khi tốt nghiệp trở về nay trở thành những cán bộ quản lý trong các cơ quản quản lý nhà nước, trở thành các nhà nghiên cứu của các trung tâm nghiên cứu khoa học lớn trên cả nước.
Chính bề dày truyền thống đó mà Việt Nam rất quan tâm đến những thành tựu của Hungary trong cải cách giáo dục, nhất là ở bậc học phổ thông và đào tạo ĐH, sau ĐH. Nền giáo dục của hai nước có nhiều điểm tương đồng, do vậy Việt Nam có thể ứng dụng những kinh nghiệm quý báu của Hungary phù hợp với điều kiện thực tiễn để thúc đẩy quá trình “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” mà Việt Nam đang từng bước triển khai.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị trong thời gian tới Hungary tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nhân lực trong lĩnh vực y, dược, thú y, lai tạo giống cây trồng vật nuôi, đào tạo âm nhạc; đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học về khoa học giáo dục; đào tạo và đào tạo lại những chuyên gia về điện hạt nhân ở các vị trí nghiên cứu, vận hành tổ hợp nhà máy điện hạt nhân.
Trong thời gian tới, theo phương thức đưa cán bộ, sinh viên Việt Nam sang Hungary học tập, Việt Nam sẽ dành nhiều chỉ tiêu và cấp học bổng cho cán bộ, sinh viên Việt Nam đi đào tạo các ngành nghề được đề cập trên đây. Đồng thời ủng hộ việc các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu của Hungary quảng bá hình ảnh của mình tại Việt Nam theo phương thức song phương giữa các trường hoặc bằng các hình thức khác. Song song với đó, các trường ĐH của Hungary có thể liên kết đào tạo với ĐH ở Việt Nam để tuyển sinh đào tạo và cấp bằng Hungary tại Việt Nam.
Hai bên đã thống nhất sẽ thành lập các nhóm, tổ công tác hỗn hợp để thúc đẩy các thỏa thuận trong hợp tác giáo dục sau kí kết cũng như làm đầu mối cho các hoạt động giáo dục của hai bên sau này.
Bá Hải