Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện có quy mô lớn trong lĩnh vực kiểm toán công, với sự tham gia của đại diện các cơ quan kiểm toán tối cao đến từ 46 quốc gia thuộc khu vực châu Á.
Đẩy mạnh hội nhập ngày càng sâu rộng
“Trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, nay Việt Nam đã trở thành một nước có nền kinh tế đang phát triển ở mức thu nhập trung bình với độ mở cao và ngày càng gắn kết chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các khu vực khác trên thế giới. Nối tiếp những thành công hơn 30 năm qua, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, tăng cường bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, của người dân để tham gia phát triển đất nước, cũng như tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội ASOSAI 14 hôm 19/9.
- Cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm và đóng góp hiệu quả vào các cơ chế đa phương, Việt Nam đã đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng.
Bày tỏ quan điểm của Việt Nam về hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm và đóng góp hiệu quả vào các cơ chế đa phương, thời gian qua, Việt Nam đã đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, như: Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (năm 2010), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132 (năm 2015), Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2017, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) tổ chức vào tháng 1 năm nay và gần đây nhất là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN vừa tổ chức từ ngày 11 - 13/9 mang lại kết quả hết sức thành công, điều đó thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đồng thời góp phần củng cố cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Năm 2018 đánh dấu 24 năm trưởng thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu giúp Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến và thông lệ tốt về lĩnh vực kiểm toán công của thế giới để nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn; đồng thời tạo cơ hội để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham gia, đóng góp một cách tích cực, hiệu quả cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực và trên thế giới.
Sẵn sàng đóng góp vào hoạt động khu vực và thế giới
Trải qua 40 năm phát triển, từ 11 thành viên ban đầu khi mới thành lập, đến nay, với 46 thành viên, ASOSAI vẫn luôn là tổ chức khu vực đi đầu trong lĩnh vực kiểm toán công, quản trị công; với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi “Chuyên nghiệp, Hợp tác, Đồng đều, Sáng tạo”. “ASOSAI đã, đang và sẽ không ngừng phấn đấu trở thành tổ chức khu vực kiểu mẫu của INTOSAI với mục tiêu gia tăng giá trị và lợi ích cho các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI; hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, các thông lệ tốt, thực hiện các sáng kiến và các giải pháp nhằm tăng cường và phát triển hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực công, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia thành viên nói riêng, khu vực châu Á và thế giới nói chung”- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhận định.
“Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tự hào là một thành viên trong ngôi nhà ASOSAI, đặc biệt sắp tới, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam ý thức được trọng trách của mình trong việc cùng với các thành viên ASOSAI phát huy những thành quả đã đạt được, đẩy mạnh hợp tác giữa các thành viên ASOSAI và INTOSAI nhằm tăng cường sự đoàn kết, tăng cường năng lực, phát triển hơn nữa cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Tuyên bố Hà Nội sẽ là văn kiện chính thức của Đại hội ASOSAI 14. Bên cạnh các phương hướng, giải pháp về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu, Tuyên bố Hà Nội còn được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao về các hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên nhằm tăng cường giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời đưa ra các đề xuất quan trọng nhằm hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán vì mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.