Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới

GD&TĐ -Dự báo, vào năm 2039, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.

Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039. Ảnh: Internet.
Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039. Ảnh: Internet.

Quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và ASEAN tổ chức mới đây, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình (Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết, khoảng 22% người cao tuổi phải nằm viện trong vòng một năm qua. Số lần điều trị nội trú trung bình là 2,3 lần/năm. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho cho người cao tuổi cao gấp 8-10 lần người trẻ.

Riêng Hà Nội có khoảng 250.000 người từ 75 tuổi trở lên, cần nhiều sự trợ giúp xã hội, y tế, chăm sóc nhất. Ước tính, Hà Nội cần ít nhất 10 bệnh viện, khoa lão, trung tâm y tế chăm sóc lão khoa chuyên biệt để phục vụ người cao tuổi.

Ông Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội cho hay, công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi được thành phố đẩy mạnh, tỷ lệ khám sức khỏe người cao tuổi định kỳ 9 tháng năm 2023 đạt 79,25%, ước năm 2023 đạt 87% phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Trong các buổi sinh hoạt, các cấp Hội người cao tuổi đã dành thời gian đáng kể để tuyên truyền công tác dân số. Các cụ luôn xác định, đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở vận động người dân, con cháu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt xóa bỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", coi việc thực hiện tốt công tác dân số là chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của hội viên chi hội người cao tuổi.

Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, nhiều năm qua, Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hội người cao tuổi triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, nhất là chương trình “Truyền thông, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”.

Theo ông Hồ Viết Lễ, Trưởng ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế, song song với công tác động viên, giúp đỡ về tổ chức, sinh hoạt, rèn luyện, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi là hoạt động quan trọng của các cấp hội.

Đối với hoạt động này, các buổi truyền thông, tuyên truyền pháp luật, phổ biến những thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, đồng thời lồng ghép kỹ năng phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng dành cho người cao tuổi sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế các nguy cơ về bệnh tật và lão hóa.

Riêng 8 tháng đầu năm 2023, Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã khám sức khỏe định kỳ cho hơn 104 nghìn người cao tuổi. Gần 1.900 người cao tuổi được tiếp cận thông tin thông qua 48 buổi sinh hoạt câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi.

Hơn 4.400 người cao tuổi khác tham gia 54 buổi nói chuyện chuyên đề lồng ghép khám sức khỏe. Nhiều xã, phường, thị trấn cũng đã triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường cung cấp thông tin về thực trạng già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Cơ hội và thách thức

Theo Tổng cục DS- KHHGĐ (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu người cao tuổi).

Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số.

Già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức. Ảnh minh họa: Internet.

Già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức. Ảnh minh họa: Internet.

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nhìn nhận, thời gian để nước ta chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già rất ngắn, khoảng 25 năm. Già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức.

Về cơ hội, TS Phạm Vũ Hoàng cho rằng, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, giảm thính lực, rối loạn giấc ngủ...

Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi, phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ cao hơn nam giới. Điều đáng nói, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh. Người dân nước ta có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Mỗi người Việt Nam trung bình có 10 năm phải sống với bệnh tật, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh....

Theo các chuyên gia y tế, để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa, đồng thời để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, công tác dự phòng bệnh đóng vai trò quan trọng, trong đó việc duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, có sổ theo dõi bệnh và tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ rất cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ