Việt Nam - Điểm đến hàng đầu về dịch vụ CNTT

GD&TĐ - Ngày 19/10, tại TPHCM, Hội nghị Xuất khẩu Dịch vụ CNTT 2017 (Vietnam ITO Conference 2017) chính thức khai mạc. Đây là Hội nghị lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam 2 năm/lần về xuất khẩu dịch vụ CNTT với mục tiêu giới thiệu năng lực phát triển phần mềm, khả năng cung cấp dịch vụ CNTT và mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa liên minh các DN xuất khẩu phần mềm Việt Nam (VNITO Alliance) với Silicon Valley Forum (SVF), USA.
Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa liên minh các DN xuất khẩu phần mềm Việt Nam (VNITO Alliance) với Silicon Valley Forum (SVF), USA.

Hội nghị thu hút gần 500 đại biểu trong đó có 150 đại diện quốc tế đến từ 20 quốc gia, 250 lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) CNTT Việt Nam, hơn 100 khách tham gia từ các thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, trường học .

Hội nghị Xuất khẩu Dịch vụ CNTT 2017 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND TPHCM, được đồng tổ chức bởi Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), Liên minh các DN xuất khẩu phần mềm Việt Nam (VNITO Alliance) và Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC).

Hội nghị được diễn ra liên tục trong 4 ngày từ 18-21/10, Hội nghị sẽ tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá năng lực của ngành dịch vụ CNTT Việt Nam về công nghệ mới (S.M.A.C, AI, IoT), dịch vụ gia công quy trình DN (BPO, xúc tiến đầu tư cho các địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng, đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt Hội nghị không chỉ thuần túy thúc đẩy phát triển xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT mà còn mở rộng kết nối hướng đến các lĩnh vực khác như nông nghiệp công nghệ cao hay giới thiệu các công nghệ và giải pháp mới của DN CNTT.

Trong vai trò là đơn vị đồng tổ chức, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc ITPC cho biết: “Ngành phần mềm Việt Nam đã được nhiều tổ chức xếp hạng trên thế giới đánh giá cao.

Tuy nhiên, phần lớn các DN phần mềm Việt Nam có quy mô nhỏ nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp thị ra thị trường quốc tế. Vì vậy, ITPC được lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ hỗ trợ xúc tiến và đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh cho ngành phần mềm Việt Nam và TPHCM.

Trong giai đoạn tới, thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị quốc tế về CNTT – công nghệ cao, tổ chức các đoàn xúc tiến về CNTT tại các thị trường trọng điểm: Bắc Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Singapore, Úc…giúp quảng bá cho ngành.

Hội nghị xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 là một trong những hoạt động xúc tiến đầu tư mang tầm vóc quốc tế được tổ chức tại TPHCM.

Thông qua hội nghị này, các công ty CNTT Việt Nam sẽ nhận được những giá trị lợi ích thiết thực, gặp gỡ nhiều đối tác cũng như đạt được những cơ hội phát triển kinh doanh trong thời gian sắp tới”.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long – Chủ tịch liên minh VNITO, Giám đốc QTSC nhận định: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến cho ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cơ hội vàng để phát triển mạnh, nâng cao giá trị dịch vụ và trở thành 1 trung tâm phát triển dịch vụ CNTT chất lượng cao của khu vực.

Với vai trò là tổ chức kết nối lớn nhất Việt Nam của các DN hoạt động ở lĩnh vực ITO và BPO, Liên minh VNITO kỳ vọng ngoài việc quảng bá và khẳng định thương hiệu ngành dịch vụ CNTT Việt Nam với thị trường tế giới, còn là cơ hội để các DN kết nối, tìm kiếm đối tác quốc tế để phát triển kinh doanh”.

Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 ghi dấu ấn với Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa liên minh các DN xuất khẩu phần mềm Việt Nam (VNITO Alliance) và các tổ chức quốc tế, bao gồm: Silicon Valley Forum (SVF), USA; Tổ chức phát triển CNTT Việt Nam tại Hoa Kỳ (Vietnam IT Development Group - VIDG); Hiệp hội xúc tiến công nghiệp thành phố Shonan, Nhật Bản (Shonan Industrial Promotion Foundation – SIPF).

Lễ ký kết đánh dấu bước khởi đầu cho việc cùng nhau hợp tác và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tiếp nối là loạt bài tham luận của KPMG Việt Nam và Silicon Valley Forum về chủ đề “Tổng quan về tình hình CNTT Việt Nam – Thực trạng và số liệu”, tiếp theo là những câu chuyện thành công, được chia sẻ từ những DN hàng đầu tại Việt Nam như TMA, Nashtech, LogiGear, Terralogic.

Ngoài ra, Hội nghị bao gồm chuỗi hoạt động phong phú, trải rộng với 4 phiên thảo luận với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới: Microsoft, Siemens, Grab Vietnam, Hitachi Consulting, F-Soft, NashTech, DIGI-TEXX, Dynagitity, Infinity Blockchain Labs, LogiGear, NashTech, Navigos Search, Russell Investments, JETRO, A.C.T, Data Analytics, S3 Corp, Swiss Post Solutions, Topgate; và các trường đại học và tư vấn nhân lực…

Bên cạnh đó, hội nghị còn tổ chức một hội thảo chuyên đề với chủ đề “Hợp tác ứng dụng CNTT trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, với nội dung định hướng và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nông nghiệp công nghệ cao tại Hoa Kỳ, cũng như cơ hội hợp tác và ứng dụng tại Việt Nam…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.